Bên cạnh đó, việc thực hiện các nhiệm vụ công tác khác vẫn diễn ra bình thường, thậm chí cán bộ, công chức cần làm việc tích cực hơn nữa để giảm thiểu tác động do dịch gây ra, cùng với đó là khôi phục sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng, đảm bảo đời sống dân sinh.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thế Toàn cho biết: Thời gian qua, Ban Nội chính đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nội chính của thành phố, chủ động tham mưu cho Thành ủy Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác nội chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn thành phố. Nổi bật là: Đảm bảo, duy trì và giữ vững ổn định an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước diễn ra trên địa bàn Thủ đô; trật tự an toàn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh được triển khai đồng bộ, toàn diện.
Cụ thể, năm 2019 và quý I năm 2020, cùng với các ngành nội chính, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội đã theo dõi, đôn đốc tiến độ và giải quyết xong 13 vụ việc, vụ án; hiện tiếp tục theo dõi, đôn đốc 23 vụ việc, vụ án. Đáng chú ý, thời gian qua, Ban Nội chính đã chủ động tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội nắm tình hình tại một số điểm nóng như: Đảm bảo an ninh trật tự tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội); người dân xã Thanh Lâm và xã Tam Đồng, huyện Mê Linh (Hà Nội) tập trung tại khu vực dự án "Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước"; khiếu kiện tập trung đông người liên quan đến Khu Liên hiệp Xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội).
Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy về "Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020", Ban Nội chính Thành ủy đã phối hợp, đề xuất đưa 15 vụ việc, vụ án vào diện Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung chỉ đạo giải quyết. Ngoài ra, Ban Nội chính chủ trì phối hợp với cơ quan thường xuyên nắm tình hình, đánh giá, tổng hợp báo cáo về tình hình khiếu kiện đông người phức tạp trên địa bàn, nhất là các vụ việc mới phát sinh; kịp thời tham mưu đề xuất chỉ đạo xử lý tình huống, giải quyết vấn đề, không phát triển thành vụ việc phức tạp, nổi cộm; tổng hợp kết quả theo dõi, đôn đốc giải quyết 62 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp Thành ủy Hà Nội đang theo dõi, đôn đốc.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ghi nhận và biểu dương những thành tích đạt được trong công tác nội chính của thành phố trong thời gian qua, nhất là hoạt động điều tra, xử lý các vụ án kinh tế trọng điểm, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho Nhà nước, nhân lên niềm tin của nhân dân với các cơ quan thực thi pháp luật, với Đảng và chính quyền. Đặc biệt, qua việc bám sát các chỉ đạo của Trung ương và thành phố, cùng với việc mở thêm các đợt ra quân trấn áp tội phạm, Ban Nội chính và các cơ quan nội chính của thành phố đã đảm bảo ổn định an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, phát huy được vị thế của Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng lưu ý về một số tồn tại trên địa bàn thành phố như: Tình trạng khiếu kiện tập trung đông người; tham nhũng vặt diễn biến phức tạp; án hành chính còn tồn đọng nhiều; việc thu hồi tài sản ở một số vụ việc, vụ án còn chưa được giải quyết triệt để... Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cán bộ, đảng viên làm công tác nội chính cần nâng cao ý thức về vai trò, vị trí của công tác nội chính trong hệ thống chính trị; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật đến nhân dân, cán bộ, đảng viên, song song với đó là nắm chắc tâm tư nguyện vọng của nhân dân đối với công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.
Nhận định sau đại dịch COVID-19, tới đây các tranh chấp pháp lý sẽ rất phức tạp như: Giải quyết các vướng mắc về hợp đồng lao động, thuê mặt bằng..., cùng với đó là tình hình an ninh nông thôn dự báo có nhiều chuyển biến phức tạp, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cơ quan nội chính của thành phố cần chủ động nắm bắt, phân tích tình hình, sớm có phương án giải quyết các vụ việc phức tạp. Đây cũng là thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, tình hình tệ nạn và tội phạm diễn biến phức tạp, vì vậy Thành ủy nhất trí với đề xuất của Công an thành phố Hà Nội về việc sớm mở đợt cao điểm về đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, tới đây khối các cơ quan nội chính cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng với công tác nội chính, trước hết là phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; chú trọng công tác tiếp dân, đẩy mạnh giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo, không để xảy ra vụ việc phức tạp trên địa bàn.