Buổi tiếp dân được thực hiện theo Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Đại diện các hộ dân trong vụ cháy chợ thị trấn Năm Căn phản ánh: Đất khu vực chợ bị cháy có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng ổn định trước năm 1993 và không có tranh chấp. Vụ cháy chợ Năm Căn có 56 hộ dân bị ảnh hưởng. Phần lớn các hộ dân nói trên đã nhận nền tái định cư, nhưng nhiều hộ đã sang bán lại cho các hộ khác. Hiện nay chỉ còn lại chưa đến 15 hộ gốc. Do đó, các hộ dân yêu cầu cơ quan chức năng xem xét tính toán lại giá đất, đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết tái định cư cho các hộ gốc và xem xét giải quyết một số quyền lợi khác có liên quan.
Mặc dù cơ quan chức năng tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với các hộ dân bị ảnh hưởng trong vụ cháy chợ Năm Căn và có hướng giải quyết vụ việc đúng theo trình tự, quy định của pháp luật, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết vụ việc đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân, song một số hộ dân vẫn tiếp tục yêu cầu khiếu nại vượt cấp.
Tại buổi tiếp, đối thoại trực tiếp với đại diện các hộ dân bị ảnh hưởng trong vụ cháy chợ Năm Căn, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình cho biết, yêu cầu của nhân dân đã và đang được cơ quan chức năng tỉnh tích cực giải quyết. Những nội dung khiếu nại của các hộ dân sẽ được cơ quan có thẩm quyền rà soát lại và có thông báo phản hồi đến công dân theo quy định.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nêu rõ, nếu yêu cầu của người dân là chính đáng, phù hợp, tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các hộ dân cần cung cấp thêm thông tin, chứng cứ để cơ quan chức năng xem xét, giải quyết thấu tình, đạt lý.
Đối với vụ việc khiếu nại liên quan đến bến phà Tam Bô (xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi), cơ quan chức năng cấp tỉnh và cấp huyện đã xem xét, giải quyết rất nhiều lần. Bến phà cũ bị đình chỉ hoạt động do có sự tranh chấp gay gắt giữa 4 hộ dân của hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, trong đó có hộ bà Hà Thị Thu (ấp Tân An B, xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi).
Khi tỉnh Bạc Liêu quy hoạch bến khách thì không có đối lưu với bến phà Tam Bô bên phía tỉnh Cà Mau. Do đó, Sở Giao thông Vận tải Cà Mau đã trình UBND tỉnh ra quyết định xóa bến phà Tam Bô, bổ sung quy hoạch bến khách ở vị trí mới được giao cho xã Tạ An Khương Đông hiện nay là đầu tư mới hoàn toàn. Bến khách mới hoạt động từ ngày 16/10/2018 đã được cơ quan chức năng hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu cấp phép hoạt động.
Tuy nhiên, theo bà Hà Thị Thu phản ánh, năm 2012 gia đình bà được Sở Giao thông Vận tải Cà Mau cấp phép hoạt động bến phà có thời hạn đến năm 2022. Đến năm 2015, Sở lại cấp phép cho ông Lê Thực Hiện với thời hạn 1 năm. Khi phía tỉnh Bạc Liêu lập bến mới thì Sở Giao thông Vận tải Cà Mau thu hồi giấy phép hoạt động bến phà cũ do gia đình bà Thu sở hữu. Sau đó, UBND tỉnh có Quyết định xóa tên bến phà Tam Bô, giao UBND xã Tạ An Khương Đông quản lý bến mới và xã cho gia đình bà Thu hợp đồng thuê đưa khách 7,5 ngày/tháng.
Bà Thu cho rằng, gia đình bà đầu tư hàng tỉ đồng cho bến phà là do được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động, nhưng sau đó lại thu hồi bến, khiến bà không thu hồi được vốn. Do vậy, bà Thu khởi kiện Sở Giao thông Vận tải vì đơn vị đã ra Quyết định 556 về việc thu hồi bến phà.
Sau khi lắng nghe những nội dung phản ánh, kiến nghị của bà Hà Thị Thu, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình kết luận: Hai bến phà cũ hiện đã chấm dứt hoạt động về mặt pháp lý, có phục hồi lại bến hay không phải chờ kết quả xem xét, phán quyết của Tòa án cấp cao. Trước mắt, bà Thu tạm thời đưa khách theo hợp đồng với UBND xã. Về phía UBND huyện cần chỉ đạo xã nhanh chóng sửa chữa lại nhà chờ bến mới do gió lốc làm hỏng.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau sẽ có ý kiến chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sớm xem xét, xử lý và trả lời nội dung yêu cầu mà bà Thu phản ảnh, kiến nghị tại buổi tiếp, đối thoại với công dân.