Bắc Ninh quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 24, chiều 10/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2025 tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Với 4 nhóm vấn đề, 18 câu hỏi, tại phiên chất vấn, các nội dung về thực hiện tinh giản bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương công vụ được đông đảo cử tri, người dân quan tâm.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh Lê Hồng Phúc cho biết, theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Sở tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sáp nhập, tinh gọn bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiến hành theo kế hoạch, quan điểm chỉ đạo, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Trung ương ban hành.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh khẳng định, đây là một cuộc cách mạng, tỉnh sẽ thực hiện quyết liệt nhưng linh hoạt, mềm dẻo, phân công, bố trí cán bộ sau sắp xếp hợp lý, phù hợp chuyên môn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, công chức, người lao động. Đồng thời, rà soát, sắp xếp cán bộ dôi dư, vận động tinh giản biên chế với người không đủ tuổi tái cử; trong đó, cần nhất là tạo động lực tích cực, biến việc tinh gọn bộ máy thành cơ hội đổi mới, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng suất làm việc.
Ông Lê Hồng Phúc cho biết, cùng với chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Bắc Ninh cũng sẽ ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với những trường hợp tinh giản. Giai đoạn 2021 - 2024, Bắc Ninh sắp xếp, tổ chức lại các phòng, ban, đơn vị và tổ chức bên trong của 17/17 sở, ngành; giảm 22 đầu mối của các cơ quan, đơn vị; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của 16 sở, 4 Trung tâm.
Từ 2022 đến nay, tỉnh đã giải quyết chế độ theo chính sách tinh giản biên chế của Trung ương cho 1.666 viên chức và 33 công chức. Dự kiến từ nay đến ngày 31/12/2026, toàn tỉnh tiếp tục giảm 40 chỉ tiêu biên chế công chức và 711 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bảo đảm hoàn thành lộ trình tinh giản theo quy định.
Một số cử tri cho rằng, năm 2024, cả hệ thống chính trị, cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh tập trung cao triển khai nhiệm vụ phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp và công tác phòng, chống, khắc phục thiên tai. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức chưa chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, sự phối hợp ở một số cơ quan nhà nước có liên quan chưa thật sự chặt chẽ. Còn biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm, sợ sai… làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải quyết công việc chung, suy giảm hiệu lực của bộ máy công quyền và niềm tin của nhân dân.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh Lê Hồng Phúc thừa nhận, hiện nay, vẫn có tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức chưa chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; còn biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm, sợ sai… ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải quyết công việc.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện các quy định của Trung ương, quy định pháp luật cán bộ, công chức, viên chức và chỉ thị, quy định của tỉnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ. Tỉnh xác định rõ trách nhiệm và đề cao vai trò người đứng đầu trong thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ tại cơ quan, đơn vị; sử dụng tổng hợp các công tác, biện pháp như kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, công tác tổ chức, cán bộ.
Lào Cai thực hiện "5 đẩy mạnh, 5 kéo giảm"
Chiều 10/12, tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy và nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Năm 2025, Lào Cai đặt mục tiêu hoàn thành 25 nhóm chỉ tiêu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đã giao. Cụ thể, Lào Cai phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt trên 10%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 15.500 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 126 triệu đồng/năm. Tổng lượng khách du lịch đạt trên 10 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt hơn 44.500 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 60.000 tỷ đồng. Tổng giá trị xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 9 tỷ USD…
Để đạt được các mục tiêu trên, tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong yêu cầu, các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt giải pháp "5 đẩy mạnh, 5 kéo giảm". Đó là đẩy mạnh đổi mới chỉ đạo điều hành, phân cấp; đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương, chống lãng phí; đẩy mạnh sắp xếp tinh gọn bộ máy; đẩy mạnh chuyển đổi số. "5 kéo giảm" là kéo giảm nút thắt về thể chế; kéo giảm sự chậm trễ về cải cách hành chính; kéo giảm chậm giải phóng mặt bằng; kéo giảm sự thoái thác tinh thần trách nhiệm; kéo giảm hộ nghèo và nhu cầu nhà ở xã hội.
Hải Dương đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội
Các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội; xử lý chất thải rắn; chậm xử lý các tồn đọng trong cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... là một số vấn đề được nêu ở phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp 28 Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XVII, ngày 10/12.
Ông Nguyễn Hoài Long, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương cho biết, Đề án phát triển nhà ở xã hội tỉnh Hải Dương 2023 - 2030 đã được phê duyệt với mục tiêu, đến năm 2030 sẽ đạt 15.920 căn. Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân đang thừa so với chương trình phát triển nhà ở xã hội. Năm 2025, tỉnh dự kiến hoàn thành 1.345 căn nhà ở xã hội nhưng mới đạt 23% so với mục tiêu. Nguyên nhân tiến độ triển khai các dự án chậm do mất thời gian chọn đơn vị tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch và báo cáo, xin ý kiến các sở, ngành trước khi báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Thời gian tới, Sở đẩy nhanh tiến độ 2 dự án nhà ở xã hội hiện đang thi công và khởi công mới thêm 9 dự án trước quý 2/2025 gồm 7.870 căn hộ.
Theo ông Nguyễn Hoài Long, giá nhà ở xã hội tại Hải Dương hiện đang dao động 15 - 18 triệu đồng/m2. Về giải pháp giảm giá bán nhà ở xã hội, theo ông Nguyễn Hoài Long có 3 giải pháp gồm: kỹ thuật, lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Sở Xây dựng đã và sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ để phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, thu hút nguồn nhân lực làm việc tại tỉnh.
Thực trạng nhiều bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt đã quá tải gây ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề được nhiều cử tri phản ánh và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có giải pháp. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Dương Văn Xuyên cho biết, tỉnh đã phê duyệt Đề án xử lý chất thải rắn. Hiện nay, mỗi ngày Hải Dương phát sinh gần 1.300 tấn rác thải sinh hoạt. Đối với các bãi chôn lấp rác đã đầy, Sở đề nghị, các địa phương đóng cửa các bãi rác này. Hiện đã đóng cửa 45 bãi rác. Theo ông Dương Văn Xuyên, giải pháp căn cơ cho vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt là đầu tư nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại.
Thông tin về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản cho biết, hiện nay, 3 nhà máy xử lý rác thải của tỉnh chỉ mới đáp ứng được 30% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày; phần còn lại đang phải xử lý bằng hình thức chôn lấp. UBND tỉnh Hải Dương đang có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công suất khoảng 1.000 tấn/ngày. Từ nay đến khi nhà máy này hoàn thành và được đưa vào hoạt động, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương có cơ chế hỗ trợ xử lý rác thải...
Hà Giang và Long An bầu chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh
Ngày 10/12, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Giang và Long An tổ chức Kỳ họp để bỏ phiếu bầu chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, với kết quả 100% đại biểu có mặt đồng ý, bà Vương Ngọc Hà (Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bà Vương Ngọc Hà, sinh năm 1977, dân tộc La Chí, quê thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang); trình độ lý luận chính trị: Cao cấp; trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Luật học chuyên ngành Tội phạm học và Điều tra tội phạm; trình độ quản lý Nhà nước: Chuyên viên Cao cấp. Trước đó, bà Vương Ngọc Hà từng là: Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang. Sau đó, bà được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang điều động làm Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc…
Từ ngày 9 - 10/12, HĐND tỉnh Long An khóa X tổ chức Kỳ họp thứ 21, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để thông qua 48 Nghị quyết quan trọng về kinh tế - xã hội và hoạt động của HĐND tỉnh. Tại Kỳ họp, các đại biểu đã bầu bà Đặng Thị Ngọc Mai giữ chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bà Đặng Thị Ngọc Mai sinh năm 1973, quê thị trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An); trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Chính trị học; trình độ chính trị: Cao cấp. Trước khi bầu làm Phó Chủ tịch HDND tỉnh, bà là Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Long An.
HĐND tỉnh Long An cũng đề ra mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng cốt lõi “3 vùng - 1 trung tâm - 2 hành lang - 6 trục động lực”. Đồng thời, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng sạch; tập trung công tác thu ngân sách để đạt mục tiêu tăng 12% so với năm 2024... HĐND tỉnh đã đề ra 21 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội cho năm 2025; trong đó, đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) mang tính tiến công mạnh mẽ từ 8,5 - 9%.
HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh và Thủ trưởng các sở, ngành về những vấn đề thực tiễn, liên quan đến công tác chống lãng phí; khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; phòng, chống tội phạm ma túy và công tác cai nghiện ma túy.
Xác định năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được kêu gọi, từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các đại biểu dân cử, cùng các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chủ động, sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm, hành động quyết liệt để thực hiện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị kép đặc biệt quan trọng: Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo định hướng “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” và “về đích” thực hiện thắng lợi Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2025, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) lần đầu tiên trong nhiệm kỳ đạt kế hoạch đề ra (đạt 8,3%), đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Cửu Long.