Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết: Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW, Tỉnh ủy Bình Định đã xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt và thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân; qua đó giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh Bình Định cùng các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Qua gần 18 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW Bộ Chính trị, tỉnh Bình Định đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cụ thể: Quy mô kinh tế (GRDP) của tỉnh không ngừng tăng trưởng, năm 2020 đạt 89.793 tỷ đồng, tăng 10,99 lần so với năm 2004 và đến năm 2021 đạt 95.311 tỷ đồng, xếp thứ 6/14 tỉnh trong vùng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004 - 2010 là 10,85% và giai đoạn 2010 - 2021 là 6,11%/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khá, với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2020 là 18,4%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 25.736 tỷ đồng, tăng 15,02 lần so với năm 2004.
Bình Định đã duy trì và tăng cường hợp tác phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; ký kết hợp tác với các tỉnh Bình Dương, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Hà Tĩnh, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên với 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên và Quảng Ngãi...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh gặp một số hạn chế, yếu kém chủ yếu đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng khá, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa tạo được sự bứt phá; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế còn thấp, thiết bị công nghệ một số ngành, doanh nghiệp đã lạc hậu nhưng chậm được đổi mới, đầu tư…
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chia sẻ: Để thực hiện thắng lợi các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nói riêng, Tỉnh ủy Bình Định đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới, là:
Tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển đồng bộ cả 5 trụ cột tăng trưởng của tỉnh, gồm: Công nghiệp, Du lịch, Dịch vụ cảng và logistics, Nông lâm nghiệp - thủy sản dựa trên công nghệ cao và Kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa; chú trọng thực hiện có hiệu quả ba khâu đột phá tạo động lực cho phát triển kinh tế đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh.
Bình Định thực hiện tốt chương trình phát triển khoa học và công nghệ, tạo nền tảng để tỉnh phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; phát triển các thành phần kinh tế; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ưu tiên các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp thích ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Tỉnh cũng chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc. Bình Định nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ về số lượng và bảo đảm về tiêu chuẩn, chất lượng; chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng...
Tại hội nghị, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW Nguyễn Hồng Sơn đánh giá: Qua gần 18 năm thực hiện, Tỉnh ủy Bình Định đã bám sát các nội dung Nghị quyết số 39-NQ/TW, kết luận số 25 –KL/TW và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của ban chỉ đạo. Trong thời gian tới, Bình Định cần sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 giúp mở ra các không gian phát triển mới, tăng cường sự liên kết với các địa phương khác trong vùng; phát huy được tiềm năng, lợi thế và thu hút đa dạng các nguồn lực cho sự phát triển.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn cũng đề nghị, Bình Định cần có giải pháp cụ thể cho liên kết vùng; xác định rõ và phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là cầu nối giữa vùng này với tiểu vùng Nam Trung Bộ và Tây nguyên, vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan; chú trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.