Bình Dương chuẩn bị phương án ứng phó cấp độ cao hơn với dịch COVID-19

Trước tình hình ghi nhận hàng ngàn ca mắc mới mỗi ngày và dự báo dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày 26/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương đã tổ chức họp khẩn triển khai kế hoạch ứng phó với dự báo số ca mắc có thể lên đến 150.000 ca trong thời gian tới.

Tối 26/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương thông tin: Trong ngày, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4.8 ca mắc COVID-19 mới, tăng 17,9% so với ngày 25/8. Trong đó, số ca mắc tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa (55%) và sàng lọc cộng đồng (37%),  số còn lại được phát hiện trong khu cách ly tạm thời. Như vậy, tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 86.050 ca mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
Đội thanh niên tình nguyện thuộc Tỉnh đoàn Bình Dương hỗ trợ ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm tại "vùng đỏ" của 15 phường trên địa bàn thành phố Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên.

Nâng quy mô ứng phó kịch bản có 150.000 ca mắc 

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, qua lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 và đợt 3 (từ ngày 2/8 đến nay) cho 1.549.913 người đã ghi nhận có 41.443 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ( tỷ lệ hơn 2,6%).

Trước tình hình ghi nhận hàng ngàn ca mắc mới mỗi ngày và dự báo dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày 26/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương đã tổ chức họp khẩn triển khai kế hoạch ứng phó với dự báo số ca mắc có thể lên đến 150.000 ca trong thời gian tới.

Tại buổi họp chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành cần nhanh chóng, chủ động kế hoạch ứng phó trước tình hình số ca mắc tăng nhanh. Theo đó, tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung huy động nguồn nhân lực, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, sự điều phối bảo đảm khoa học, đạt hiệu quả cao để triển khai phương án và giải pháp chống dịch.

Cụ thể, tỉnh Bình Dương giao nhiệm vụ các sở, ngành liên quan phối hợp với Tổng Công ty Becamex IDC đốc thúc gấp rút bố trí thêm 7.000 giường tại tại cơ sở 2 Bệnh viện dã chiến Thới Hòa (thị xã Bến Cát) nâng quy mô điều trị tại đây lên 13.600 giường. Song song đó, Tổng Công ty Becamex IDC cũng đang triển khai tiếp các giai đoạn nâng quy mô lên 27.000 giường trong thời gian tới; trong đó tập trung khẩn trương đưa vào vận hành 100 giường hồi sức cấp cứu (ICU) cho bệnh nhi và sản phụ tại Bệnh viện quốc tế Becamex.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương kêu gọi các doanh nghiệp khác vào cuộc hỗ trợ mở thêm nhiều bệnh viện dã chiến mới để đáp ứng thu dung, điều trị các ca F0 đang gia tăng; huy động toàn bộ lực lượng y, bác sĩ, nhân viên y tế của tỉnh tham gia chống dịch tại các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến và khu cách ly. Tỉnh yêu cầu ngành y tế phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị xây dựng phương án có thể ghi nhận 150.000 F0 để tính toán tổng thể nguồn nhân lực, bổ sung thêm trang thiết bị y tế, lực lượng y, bác sĩ… nhằm chủ động công tác điều trị.

Chủ động xét nghiệm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng 

Để chủ động ứng phó tình hình có thể lên tới 150.000 ca mắc COVID-19, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu khẩn trương làm tốt việc hướng dẫn thu dung điều trị F0 tại các trạm y tế lưu động và tổ chức hệ thống 3 tầng điều trị; đảm bảo an ninh trật tự bên trong lẫn bên ngoài tại các “vùng đỏ” đang “ khóa chặt”. Ông Nguyễn Văn Lợi cũng yêu cầu công tác tuyên truyền cần sâu hơn, rộng hơn, trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm, cùng đồng thuận huy động tổng lực đẩy lùi dịch bệnh. 

Liên quan tới 11 phường đang “khóa chặt” tại thành phố Thuận An và thị xã Tân Uyên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương đánh giá công tác xét nghiệm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng trong thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, về khâu điều phối vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Theo đó, cần triển khai nhanh hơn nữa các gói hỗ trợ đến người dân trong "vùng đỏ". Ban Chỉ đạo giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra việc thực hiện các gói hỗ trợ cho người dân, không bỏ sót và không để bất kỳ ai thiếu ăn, bị đói. Chỉ riêng trong ngày 26/8, tỉnh đã chi hỗ trợ cho 307.729 trường hợp gặp khó khăn do dịch bệnh, với số tiền là 139 tỷ đồng.

Cùng với đó, để tiếp nhận và hỗ trợ kịp thời những phản ánh của người dân trong tình hình thực hiện giãn cách xã hội, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương công bố danh sách số điện thoại đường dây nóng các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, việc tận dụng thời gian “đông cứng, khóa chặt” triển khai xét nghiệm diện rộng nhằm quét sạch F0 ở "vùng đỏ”. "Phải kiên trì xét nghiệm dù có tốn kém đến đâu để đưa hết F0 ra khỏi cộng đồng, làm sạch hoàn toàn COVID-19 tại những địa phương “vùng đỏ” đang còn xảy ra dịch bệnh. Tôi đề nghị cả hệ thống chính trị nỗ lực nhiều hơn nữa, càng khó khăn càng phải cố gắng, với phương châm lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài chống dịch và người dân là những chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Chí Tưởng (TTXVN)
Bình Dương cần có kênh tương tác với người dân về phòng, chống dịch
Bình Dương cần có kênh tương tác với người dân về phòng, chống dịch

Nhằm nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, ngày 26/8, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN