Sau thời gian triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, siết chặt kiểm soát ở cửa ngõ, hạn chế khung giờ quy định trên địa bàn; đặc biệt là việc “khóa chặt, đông cứng” 15 phường “vùng đỏ đậm đặc” với 1,2 triệu dân, đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, đến nay tỷ lệ “vùng đỏ” tại Bình Dương đang dần thu hẹp, “vùng xanh” cải thiện đáng kể. Tỉnh kiên quyết tách hết F0 tại các khu nhà trọ, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận y tế ngay tại cơ sở, tập trung vào phân tầng điều trị, qua đó kiểm soát được số ca bệnh tử vong.
Những điểm sáng tích cực
Đến nay, Bình Dương đã cơ bản thiết lập được “vùng xanh” tại 4 huyện phía Bắc gồm: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên. Những địa phương trên dự kiến trở lại bình thường mới sau ngày 5/9. Đây là những điểm sáng tích cực về chuyển biến phòng, chống dịch tại tâm dịch Bình Dương.
Nối tiếp sau 4 huyện “vùng xanh” trên, thành phố Thủ Dầu Một - trung tâm đô thị Bình Dương cũng với quyết tâm về đích “vùng xanh” vào ngày 10/9.
Thủ Dầu Một có 14 phường, 118 khu phố, 1.000 tổ dân phố. Từ giữa tháng 8/2021, thành phố có 99 khu phố “vùng đỏ” và chỉ có 4 khu phố “vùng xanh”; số còn lại là “vùng cam”, “vùng vàng”. Nhưng đến nay, 4 phường của thành phố đã về đích 100% “vùng xanh” gồm: Tương Bình Hiệp, Tân An, Chánh Mỹ, Hiệp Thành. Cùng với đó, toàn thành phố Thủ Dầu Một có 6 tổ dân phố “vùng xanh”, hiện chỉ còn 187 tổ dân phố “vùng đỏ”.
Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một Nguyễn Thu Cúc cho biết, thành phố đang duy trì 310 chốt kiểm soát dịch trên địa bàn theo nguyên tắc “phường cách phường, khu phố cách khu phố”, qua đó những địa bàn nào đã thiết lập “vùng xanh” sẽ quyết tâm bảo vệ vững chắc.
Làm việc với lãnh đạo thành phố vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao cả hệ thống chính trị của thành phố phát huy kết quả đạt được, huy động được sức mạnh, nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp để làm tốt công tác phòng, chống dịch và thực hiện có hiệu quả. Đến nay, thành phố đã thiết lập đạt gần % “vùng xanh” trên địa bàn, là tiền đề quan trọng để tiến tới “xanh hóa” toàn địa bàn.
Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu thành phố bảo đảm các điều kiện y tế để đáp ứng yêu cầu của người dân; tiếp tục động viên, khen thưởng kịp thời các lực lượng làm nhiệm vụ; chú trọng tổ chức lực lượng bảo đảm giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội; phấn đầu đến ngày 10/9, đưa Thủ Dầu Một về trạng thái bình thường mới.
Doanh nghiệp nối lại “3 tại chỗ”
Bình Dương đang tập trung khoanh vùng nguy cơ cao để kiểm soát dịch bệnh, đồng thời thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh" với quyết tâm đến ngày 15/9, trở lại trạng thái bình thường mới. Theo đó, tỉnh xây dựng kế hoạch cho phép doanh nghiệp ở “vùng xanh” hoạt động trở lại, bố trí nơi ở cho công nhân đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất.
Cụ thể, tỉnh cho tổ chức thực hiện mô hình 3 xanh “nhà máy, nhà trọ và công nhân” tại khu vực “vùng xanh” gồm: Thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên.
Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Bùi Minh Trí cho biết, hiện có 1.319 doanh nghiệp đang thực hiện 3 tại chỗ, 2 địa điểm 1 cung đường với 146.2 lao động. Theo đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã phối hợp tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân đang tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp. Đến nay, đã có 131.000 công nhân được tiêm mũi 1; số lượng công nhân được tiêm vaccine đạt 93%, nên đa số doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” tạm yên tâm giữ vững trận địa sản xuất trong “bão COVID-19”.
“Điều đáng mừng, sau khi công nhân được tiêm vaccine ở tại doanh nghiệp và trong khu dân cư ở địa phương, các doanh nghiệp bắt đầu rục rịch đăng ký thực hiện mô hình sản xuất mới chủ yếu theo hình thức 3 tại chỗ, 2 địa điểm 1 cung đường “mở rộng”. Cụ thể, đến nay có 141 doanh nghiệp đăng ký tổng số 21.678 lao động (trung bình 153 lao động/doanh nghiệp) đạt 37% so với mức lao động ngày thường” - ông Bùi Minh Trí cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Minh Trí, rút kinh nghiệm đợt đầu cho doanh nghiệp đăng ký “3 tại chỗ” còn thiếu giám sát. Do đó, tới đây, doanh nghiệp nào muốn nối lại sản xuất, Ban Quản lý các Khu công nghiệp phối hợp với các sở, ngành cùng lực lượng công an tăng cường kiểm tra chặt chẽ đầu vào, để đảm bảo kiểm soát không lọt F0 vào trong nhà máy.
Trong đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp đề nghị chủ đầu tư, doanh nghiệp phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào doanh nghiệp. Nơi nào không đáp ứng, không đảm bảo an toàn sẽ buộc ngừng hoạt động; đồng thời, thực hiện việc quản lý chặt chẽ thông tin liên quan đến người lao động (người ở chung, địa chỉ nơi đang ở, lộ trình di chuyển hằng ngày từ nơi ở đến công ty, doanh nghiệp), đo thân nhiệt và yêu cầu người lao động phải khai báo y tế bắt buộc hằng ngày khi đến làm việc; đảm bảo vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn trong sản xuất.
Doanh nghiệp chỉ được tổ chức sản xuất kinh doanh khi đã xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ công nhân, người lao động và đáp ứng các điều kiện. Trước khi cho vào nhà máy sản xuất, doanh nghiệp phải khử khuẩn toàn bộ khu vực nhà máy theo quy định, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 2 lần. Song song đó, tổ chức thí điểm sắp xếp lại từng phòng trọ, khu nhà trọ theo hướng bố trí cho những công nhân cùng làm chung một doanh nghiệp được ở chung một phòng hoặc một dãy, nếu đảm bảo đủ điều kiện thì bố trí cho tất cả công nhân của cùng một nhà máy, một doanh nghiệp ở chung nhà trọ hoặc các khu nhà trọ liền kề.
Triển khai tiêm vaccine đẩy lùi dịch bệnh
Ngày 1/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho hay, Bình Dương tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, xét nghiệm bóc tách hết F0 khỏi cộng đồng, trong đó tập trung bóc tách F0 tại 15 phường đang “khóa chặt, đông cứng”, để đạt bước tiến vững chắc nhằm trở về trạng thái bình thường mới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao khẳng định tỉnh quyết tâm cao nhất, phấn đấu đến ngày 15/9 đạt mục tiêu đề ra, cải thiện tốt hơn về mọi mặt, toàn tỉnh ổn định lại để phục hồi sản xuất, kinh doanh và giúp đời sống của nhân dân được thoải mái hơn.
Theo đó, tỉnh đang vận hành đồng loạt các giải pháp, dồn toàn lực xuống “pháo đài” phường, xã – nơi đang tập trung lớn phần lớn các lực lượng tuyến đầu với nhiệm vụ gần với người dân nhất; ưu tiên nhất hiện nay là test nhanh sàng lọc F0 để phân loại đưa đến cơ sở cách ly điều trị nhanh nhất có thể, giúp dân tiếp cận y tế càng sớm càng tốt, giảm nguy cơ chuyển bệnh nặng.
Ông Nguyễn Hoàng Thao cho rằng, tỉnh tập trung bóc tách F0 tại 15 phường đang “khóa chặt, đông cứng” với mục tiêu làm sạch ca mắc COVID-19 đến đâu, triển khai tiêm vaccine cho dân đến đó. Mục tiêu là tiêm đầy đủ 100% cho dân từ 18 tuổi trở lên.
"Vaccine Vero Cell của Sinopharm mà tỉnh đang triển khai tiêm cho gần 20.000 người dân; trong đó, có nhiều chuyên gia, công dân Trung Quốc đang làm việc tại Bình Dương đều an toàn. Qua đó cho thấy, loại vaccine trên không gây ra biến chứng, người được tiêm rất hài lòng. Đặc biệt, mũi 2 chỉ cách mũi 1 từ 3 - 4 tuần và có công dụng nhanh. Do đó, đây là cơ sở để triển khai 1 triệu liều vaccine Vero Cell tiêm cho người dân nhằm sớm đẩy lùi dịch bệnh" - ông Thao báo tin vui.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương khẳng định, quan điểm của tỉnh và ngành Y tế “vaccine tốt nhất là vaccine đến sớm nhất”. "Ngành Y tế và tỉnh đang nỗ lực để có được nguồn vaccine đủ tiêm cho 100% người dân” - ông Chương cho biết.
Theo Bác sỹ Nguyễn Hồng Chương, hiện trên địa bàn có 14.000 giường bệnh đáp ứng cho việc điều trị ở các tầng và 50.000 giường thu dung điều trị F0 ban đầu tại các địa phương. Tỉnh đang tiếp tục triển khai thêm 20.000 giường nữa trong những ngày tới. Theo đó, Bình Dương đang chủ động, kiểm soát được tình hình về công tác điều trị được phân cấp điều trị rõ ràng ở 3 tầng điều trị, nhờ đó đến nay cơ bản đã kiểm soát tốt mọi khâu phân loại, thu dung, điều trị bệnh nhân ngay tại cơ sở. Điều này giúp Bình Dương kiểm soát được số ca bệnh tử vong, tiến tới kiểm soát được dịch bệnh.
Bác sỹ Nguyễn Hồng Chương đánh giá việc gia tăng F0 những ngày qua chủ yếu tại các phường “khóa chặt, đông cứng”. Nguyên nhân tăng F0 là do đặc thù Bình Dương có rất nhiều khu nhà trọ, nơi ở phần lớn người lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên, ngành Y tế quyết tâm xét nghiệm diện rộng để bóc tách hết F0 khỏi cộng đồng, đặc biệt là khu nhà trọ. “Mặc dù số ca tăng cao nhưng trong vòng kiểm soát” - Bác sỹ Nguyễn Hồng Chương khẳng định.
Từ đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, Bình Dương ghi nhận 114.788 ca mắc COVID-19 ở 9/9 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Hiện, số bệnh nhân đang được điều trị là 53.505 người; 61.278 người được điều trị khỏi bệnh, xuất viện; 897 bệnh nhân tử vong.