Tại buổi làm việc, ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương đã báo cáo tóm tắt về công tác phòng, chống thiên tai năm 2018 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, 100% các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, đầy đủ theo trình tự trước, trong, sau khi xảy ra thiên tai.
Hàng năm, các địa phương chủ động rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó với các loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn. Trong đó kiểm tra phương án huy động lực lượng, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình xung yếu.
Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra 13 trận thiên tai làm 2 người chết, 3 người bị thương, sập 1 căn nhà, 1 nhà xưởng, tốc mái 26 căn nhà, 49 phòng trọ, ngập 342 căn nhà, ngập 140 ha lúa và hoa màu, sạt lở, hư hại 74m, tràn 945m bờ kênh, rạch, ngập 4.360m đường giao thông... Tổng giá trị thiệt hại về tài sản hơn 2 tỷ đồng.
Theo ông Lê Cảnh Dần, sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương bị thiệt hại khẩn trương hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.
Công tác hỗ trợ khắc phục thiên tai được thực hiện công khai, công bằng, minh bạch, giám sát chặt chẽ từ cấp cơ sở nên được sự đồng thuận cao từ người dân, không xảy ra khiếu nại, tố cáo.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương kiến nghị nhiều nội dung quan trọng với Đoàn công tác của Trung ương.
Cụ thể như cần bố trí nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai ở cơ sở.
Ngoài ra, cần ban hành phương án phòng, chống lũ hạ du hồ Dầu Tiếng, quy trình vận hành hồ Dầu Tiếng-Phước Hòa; bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp mạng lưới khí tượng, thủy văn trên địa bàn tỉnh; ban hành định mức về mật độ bố trí các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn để đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Tại buổi làm việc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, tỉnh Bình Dương cần tích cực tuyên truyền phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai để người dân chủ động thực hiện, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng đã ghi nhận các ý kiến đề xuất của tỉnh Bình Dương, đồng thời tìm hiểu thêm các kinh nghiệm về tiêu thoát nước tại khu công nghiệp, các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh; công tác kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp cơ sở, để tham mưu kiện toàn công tác phòng chống thiên tai ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.