Các đại biểu đã nêu vấn đề về tình trạng học sinh "ngồi nhầm" lớp, học sinh không đáp ứng được yêu cầu bậc học nhưng vì nhiều lý do vẫn được lên lớp, vẫn được đánh giá hoàn thành chương trình. Điều này dẫn đến một số học sinh mất căn bản, không theo kịp chương trình học ở bậc cao hơn, là một trong những nguyên nhân của tình trạng bỏ học giữa chừng. Cá biệt, nhiều trường hợp học sinh lớp 3, lớp 4 nhưng khả năng đọc, viết chỉ ở mức độ lớp 1… Do đó, các đại biểu đề nghị các đơn vị liên quan cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng này.
Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thừa nhận, trên địa bàn có hiện tượng học sinh “ngồi nhầm" lớp, nhất là các trường ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; có tình trạng học sinh lớp 3, lớp 4 nhưng khả năng đọc, viết chỉ ở mức độ lớp 1, nhưng đây chỉ là trường hợp cá biệt. Qua các cuộc kiểm tra chuyên môn, gắn với việc khảo sát thực tế, vẫn còn học sinh đọc, viết còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu cần của chương trình học, nhất là học sinh lớp 1 ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, học sinh khuyết tật học hòa nhập...
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cho rằng, một phần nguyên nhân thuộc về Sở, do công tác kiểm tra, giám sát, khảo sát chất lượng giáo dục học sinh tại các cơ sở giáo dục chưa thường xuyên. Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm viên chức quản lý trong cơ sở giáo dục còn thiếu so với quy định, đội ngũ giáo viên còn thiếu, chưa đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, còn do tình trạng điều chuyển giáo viên chưa cân đối, hợp lý tại cơ sở giáo dục, dẫn đến thừa/thiếu giáo viên cục bộ.
Cùng với đó, một số viên chức quản lý chưa thực hiện hết vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong công tác chỉ đạo xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kiểm tra, khảo sát, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh. Do biên chế giáo viên thiếu, chưa cân đối giữa các môn học, hoạt động giáo dục nên nhà trường bố trí giáo viên cấp Trung học cơ sở xuống dạy một số môn học ở cấp Tiểu học và đa số cơ sở giáo dục bố trí giáo viên cấp Tiểu học dạy các môn học đặc thù (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất) vào dạy các tiết Toán, Tiếng Việt… để đảm bảo chương trình theo quy định. Một số cơ sở giáo dục giao chỉ tiêu thi đua đối với giáo viên, trong đó có chỉ tiêu học sinh hoàn thành chương trình lớp học cuối năm…
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, giải pháp hiện nay được đưa ra là tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên; trong đó chú trọng tổ chức hội thảo chuyên đề nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên về dạy học các môn học, hoạt động giáo dục đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Sở tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra chuyên môn theo thẩm quyền nhằm đánh giá đúng thực tế chất lượng giáo dục học sinh; xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục, giáo viên nếu có sai phạm trong việc đánh giá, xếp loại, xét công nhận học sinh hoàn thành chương trình lớp học khi chưa đáp ứng các yêu cầu cần đạt theo quy định.
Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Nội vụ xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động trong việc hợp đồng, tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí, điều chuyển viên chức quản lý, giáo viên thuộc địa bàn quản lý đảm bảo phù hợp, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục tại địa phương. Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm việc đánh giá, xếp loại học sinh một cách thực chất; thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát và tổ chức khảo sát chất lượng giáo dục học sinh định kỳ. Từ đó, phát hiện học sinh gặp khó khăn trong học tập để điều chỉnh kế hoạch phù hợp, tổ chức dạy học phân hóa đối tượng học sinh; ôn tập, phụ đạo, giúp đỡ kịp thời. Khi nhà trường thực hiện hết trách nhiệm mà cuối năm học sinh không đáp ứng được yêu cầu cần đạt về chất lượng giáo dục quy định thì kiên quyết không xét điều kiện lên lớp.
Tại Kỳ họp, các đại biểu cũng chất vấn về vấn đề nhiều đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh trở lên được triển khai nghiên cứu bằng nguồn ngân sách nhà nước nhưng sau khi được nghiệm thu, bàn giao cho đơn vị tiếp nhận thì không triển khai được hoặc thực hiện không hiệu quả.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận, sau nghiệm thu, đăng ký và công nhận kết quả, các nhiệm vụ đều được bàn giao kết quả thực hiện cho các cơ quan, đơn vị để ứng dụng trong thực tiễn và định kỳ các cơ quan, đơn vị phải báo cáo kết quả ứng dụng về Sở Khoa học và Công nghệ theo quy định. Do đó, 19/19 nhiệm vụ khoa học (từ 2015 đến nay) sau khi hoàn chỉnh các thủ tục liên quan đều được bàn giao cho các cơ quan, đơn vị để ứng dụng, triển khai và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp về kinh phí và nguồn nhân lực phù hợp để đảm bảo phát huy và tăng cường hiệu quả ứng dụng các đề tài, nhiệm vụ. Sở cũng sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương xác định cụ thể, chính xác nhu cầu để triển khai các nhiệm vụ khoa học - công nghệ phù hợp, ứng dụng ngay kết quả sau khi nhận bàn giao.
Ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá phiên chất vấn diễn ra nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, đúng trọng tâm với các vấn đề cần tháo gỡ. Ủy ban nhân dân tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, cũng như tăng cường thực hiện hiệu quả các kết quả sau nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề gây bức xúc trong nhân dân; sớm tháo gỡ vướng mắc các khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội.