Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Bộ Công an đã phát hiện, ngăn chặn các sự cố, nguy cơ gây mất an ninh, an toàn hệ thống mạng, các hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng; phát hiện, xử lý hàng chục vụ việc lộ, mất bí mật Nhà nước trên không gian mạng; xác minh, xử lý hàng trăm hệ thống thông tin trong nước bị tin tặc tấn công. Thường trực giám sát 24/7 đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phát hiện, phân tích hàng chục triệu cảnh báo tấn công mạng. Kiểm tra, hướng dẫn bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước trên môi trường mạng tại các bộ, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị chủ quản hệ thống thông tin trong nước. Tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh mạng (đề xuất Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định về điều kiện kinh doanh sản phẩm dịch vụ an ninh mạng, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân…).
Tuy nhiên, tình hình an ninh mạng trong nước, an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm. Nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin vẫn ở mức rất cao, đặc biệt tại một số cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước, các tập đoàn tài chính, kinh tế lớn của Việt Nam. Các nhóm tin tặc thường xuyên sử dụng các dòng mã độc nguy hiểm để tấn công, xâm nhập, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước. Tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng phần lớn các số nền tảng dịch vụ OTT (là giải pháp cung cấp nội dung như: hình ảnh, tin nhắn, gọi điện cho người dùng... trên Internet mà không một nhà cung cấp hoặc bất kỳ cơ quan nào có thể can thiệp), mạng xã hội, ứng dụng, dịch vụ công nghệ của các doanh nghiệp này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Hoạt động trao đổi, mua bán trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng diễn ra công khai. Trên một số diễn đàn, các đối tượng thường xuyên trao đổi, chia sẻ phương thức, công cụ tấn công mạng để đánh cắp thông tin, dữ liệu của các cơ quan, tổ chức.
Nnguyên nhân của tình trạng trên là do hành lang pháp lý bảo đảm an ninh mạng, an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia chưa hoàn thiện. Chưa có cơ chế cho phép cơ quan chuyên trách bảo đảm an ninh mạng, an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia phát huy tối đa khả năng tiếp cận, khai thác cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin quốc gia phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội (như: Xác minh tài khoản ngân hàng, ngăn chặn, phong tỏa tài khoản, tạm đình chỉ giao dịch, thu thập thông tin, dữ liệu tài khoản Internet, viễn thông có dấu hiệu vi phạm pháp luật...).
Công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng chưa thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, chưa đi vào thực chất mà nặng về hình thức; có tình trạng “khoán trắng” nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng cho cơ quan chuyên trách. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý nhà nước về lĩnh vực an ninh mạng tại một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; công tác tự thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm còn chưa hiệu quả, triệt để và kịp thời.
Một số bất cập, hạn chế là nguyên nhân, điều kiện phát sinh các loại tội phạm trên lĩnh vực an ninh mạng chưa kịp thời được chỉ đạo, xử lý dứt điểm vấn nạn “sim” điện thoại, tài khoản ngân hàng “rác”; một số lĩnh vực công nghệ mới chưa kịp thời được quản lý, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật, bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia, Bộ Công an tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, đó là làm tốt công tác nắm tình hình, dự báo để có giải pháp, chính sách kịp thời với những vấn đề thực tiễn mới phát sinh trong quản lý nhà nước về an ninh mạng. Tham mưu đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo “An toàn, an ninh mạng quốc gia”, hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết các vấn đề thực tiễn một cách cơ động, linh hoạt, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn trong quản lý nhà nước về an ninh mạng; kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế để kiến nghị, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng hạ tầng công nghệ bảo đảm an toàn, an ninh mạng tự chủ, đủ khả năng chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng; bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước; bảo vệ dữ liệu quốc gia, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng... Tập trung tham mưu hoàn hiện hành lang pháp lý trên lĩnh vực an ninh mạng, an toàn đối với hệ thống an ninh mạng quốc gia.
Trước mắt, trọng tâm là đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành một số nghị định, như: Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh mạng... Nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng đủ phẩm chất, năng lực, gắn với việc triển khai Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực an ninh mạng, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Quan tâm đầu tư, xây dựng, nâng cao tiềm lực và đầu tư, trang bị công cụ, phương tiện nghiệp vụ hiện đại, theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ thế giới cho lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ học hỏi kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an ninh mạng.