Công điện được gửi đến ƯPT và Công an các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; Ban Chỉ huy ƯPT: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.
Công điện yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện tốt công tác tuyên truyền về bảo đảm an toàn cho nhân dân và công tác triển khai ứng phó trong lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt tập trung bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các lực lượng, cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ ứng phó, tác nghiệp tại thực địa và ứng giúp nhân dân trong thiên tai.
Các đơn vị phải bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, an toàn cho người, tài sản của nhân dân; huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, tìm kiếm cứu nạn, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện đấu tranh ngăn chặn các hành vi lợi dụng thiên tai, bão lũ để đầu cơ, găm hàng, nâng giá, trục lợi.
Theo nội dung công điện, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ phải theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp với diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương.
Cụ thể, đối với khu vực ven biển, đồng bằng, đô thị: Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa bàn khẩn trương rà soát phương án và sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án sơ tán dân cư tại khu vực nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và du khách, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của nước dâng, sóng lớn, sạt lở, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, các nhà ở, cơ sở lưu trú không an toàn.
Đối với khu vực miền núi: Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa bàn rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, hướng dẫn, kiểm soát giao thông tại khu vực nước ngập sâu để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, tính đến 10 giờ ngày 25/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Vùng nguy hiểm do bão trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150 mm/đợt, có nơi trên 200mm. Mức độ rủi ro thiên tai được xác định ở cấp 3.