Bộ Công Thương thừa nhận việc bổ nhiệm cán bộ còn có sai sót

Thực hiện giám sát về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 20111 - 2016", sáng 7/3, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Bộ Công Thương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Giai đoạn 2011-2016, việc ban hành theo thẩm quyền, trình cấp trên ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cải cách tổ chức bộ máy đã được Bộ thực hiện tốt.


Thực hiện chủ trương xây dựng Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, trong đó có những ngành, lĩnh vực rất quan trọng, như công nghiệp điện, dầu khí, công nghiệp khai thác mỏ, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường...


Để thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước theo phân công của Chính phủ, thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, trong những nhiệm kỳ trước, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát, kiến nghị Chính phủ tổ chức sắp xếp bộ máy hoạt động theo hướng tinh gọn đầu mối (trước khi hợp nhất, Bộ Công nghiệp có 14 đơn vị hành chính, Bộ Thương mại có 19 đơn vị hành chính), hợp nhất các cơ quan báo báo chí của Bộ. Hiện, theo Nghị định số 95/2012/NĐ-CP, cơ cấu tổ chức của Bộ hiện có 30 đơn vị hành chính, trong đó có 19 vụ và tương đương, 1 Tổng cục, 10 cục.


Trong giai đoạn 2011-2016, công tác tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm cán bộ ở các cấp đã được thực hiện về cơ bản đảm bảo theo các quy định. Độ tuổi bổ nhiệm của cán bộ lãnh đạo đã dần được trẻ hóa, tỷ lệ cán bộ nữ được bổ nhiệm tăng theo từng năm. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trong độ tuổi từ 30-40 đối với cấp vụ chiếm 43,6%, tỷ lệ nữ trong bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp vụ chiếm 13,6%.


Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Bộ luôn tích cực thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp và ngành Công Thương tại các địa phương trên các lĩnh vực.


Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đánh giá, tổ chức, bộ máy của Bộ còn cồng kềnh (có nhiều đầu mối đơn vị hành chính nhất trong các bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ). Công tác tuyển dụng, trong đó có tuyển dụng đặc cách không qua thi tuyển, công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo vẫn còn nhiều sai sót. Công tác đánh giá cán bộ còn thực hiện chưa tốt. Công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ đi cơ sở còn ít, hiệu quả chưa cao. Số ít cán bộ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là kinh nghiệm công tác tại doanh nghiệp...


Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ sớm hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng Quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quy định tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh; Quy định về thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý để phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, Chính phủ sớm sửa đổi Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo...


Đoàn giám sát đánh giá báo cáo của Bộ Công Thương được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, phản ánh đầy đủ tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 của Bộ; đề xuất các giải pháp, kiến nghị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện. Tuy nhiên, báo cáo còn thiếu nhiều bảng biểu thống kê nên đoàn giám sát chưa có cơ sở để xem xét một cách toàn diện về kết quả thực hiện cải cách hành chính ở Bộ.


Kết quả nổi bật trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước ở Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016 là đã ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật về cải cách hành chính đúng thẩm quyền, bảo đảm cơ sở pháp lý; rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ và của các vụ, đơn vị trực thuộc, từ đó kiện toàn cơ cấu tổ chức theo mô hình Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, giảm được 1 đầu mối đơn vị cấp vụ (từ 31 xuống 30); thực hiện được 4 đợt tinh giản biên chế với 362 người (tính đến tháng 2/2017)... Đoàn giám sát cho rằng kinh phí thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Bộ khá lớn, đề nghị Bộ lý giải thêm về nội dung sử dụng kinh phí và hiệu quả đối với việc thực hiện chủ trương này.


Chỉ rõ công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở Bộ Công Thương vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, đoàn giám sát cho rằng Bộ Công Thương đã tự đánh giá một cách chính xác, khách quan về những hạn chế, bất cập của đơn vị mình. Bộ cần có đánh giá thêm về những yếu tố tác động đến việc thực hiện cải cách bộ máy hành chính trong hoạt động của Bộ. Đồng thời, Bộ cần nghiên cứu, đề xuất các kiến nghị, giải pháp có tính tổng thể hơn, toàn diện hơn để đóng góp cho quá trình cải cách tổ chức bộ máy ở nước ta.


Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến các thành viên, trên tinh thần khách quan, khoa học, sớm hoàn thiện báo cáo để gửi đoàn giám sát tập hợp trình ra Quốc hội xem xét.

Phúc Hằng (TTXVN)
Hạ bậc lương cán bộ Bộ Công Thương đi lễ trong giờ hành chính
Hạ bậc lương cán bộ Bộ Công Thương đi lễ trong giờ hành chính

Hình thức kỷ luật hạ bậc lương được Hội đồng kỉ luật Bộ Công Thương đưa ra đối với ông Bùi Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại do có hành vi đi lễ chùa trong giờ hành chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN