Công điện số 27 của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng 31/7, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là Wipha (cơn bão số 3).
Hồi 13h ngày 31/7, vị trí tâm bão ở cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 250 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/h), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 1/8, vị trí tâm bão ở ngay trên bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90 km/h), giật cấp 12.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5 - 10 km, khoảng chiều mai (1/8) sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ. Đến 13h ngày 2/8, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90 km/h), giật cấp 11.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đổi hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Đài thông tin duyên hải theo dõi, cập nhật, xử lý thông tin và thông báo kịp thời vị trí, hướng di chuyển của bão để các phương tiện, thuyền trưởng tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm.
Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các cảng vụ trực thuộc liên tục theo dõi diễn biến của bão để thông báo, hướng dẫn tàu, thuyền khi cấp phép rời cảng và các tàu, thuyền đang hành trình trên biển được biết, điều chỉnh hưởng đi phù hợp, đảm bảo an toàn hàng hải.
Công điện yêu cầu, Cục Hàng hải Việt Nam tập trung chỉ đạo Trung tâm Phối hợp tím kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam điều động tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng đến chốt ở các vị trí dự kiến có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất của bão và sẵn sàng tham gia cứu nạn khi có lệnh.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác an toàn bay, không cho phép máy bay cất/hạ cánh khi có tình huống xấu của thời tiết trong khu vực bị ảnh hưởng của bão.