Nghị quyết 76 đã giao chỉ tiêu cho Chính phủ: “Bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách bảo hiểm y tế để bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo”.
Báo cáo kết quả thực hiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, đến nay, hơn 95% người cận nghèo, tương ứng khoảng 6,5 triệu người cận nghèo đã tham gia bảo hiểm y tế. Cả nước có khoảng gần 60% số trạm y tế xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã. Nhiều trạm y tế xã, phường đã đổi mới hoạt động, làm tốt công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, nhất là người có thẻ bảo hiểm y tế. Đến năm 2018, hơn 9.800 trạm y tế xã (trên 80% số trạm) đã đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại một số bệnh viện huyện, trạm y tế xã nên thường vượt tuyến, gây quá tải ở tuyến trên. Số lượng và chất lượng dịch vụ của tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là các huyện vùng khó khăn vẫn còn hạn chế: bình quân các trạm y tế xã chỉ thực hiện được 70% các dịch vụ kỹ thuật, cung ứng được khoảng 40% số thuốc thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chính sách hỗ trợ học sinh được duy trì ổn định. Việc chuyển các chính sách hỗ trợ đặc thù sang các chính sách hỗ trợ thường xuyên đã góp phần tích cực trong việc huy động trẻ em, học sinh đến trường; giảm tỉ lệ học sinh bỏ học tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung đối tượng, bổ sung chính sách hỗ trợ giáo dục đã tác động tích cực đến nhiều mặt: phát triển cơ sở giáo dục, kiên cố hóa trường lớp, bảo tồn tiếng, chữ dân tộc thiểu số…
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành đã xây dựng và thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững với 2 nhiệm vụ chính: Xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung thành phần về thông tin và truyền thông trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin”.
Hoạt động thông tin và truyền thông đã có vai trò quan trọng, là công cụ hiệu quả trong việc định hướng dư luận, thông tin kịp thời, tạo sự quan tâm rộng rãi, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững, kêu gọi sự đóng góp nguồn lực của xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động thông tin và truyền thông cũng cung cấp kịp thời các thông tin quản lý của chính quyền đến người dân tại địa phương, đảm bảo cho sự điều hành thống nhất, công khai.
Tại buổi làm việc, các thành viên thường trực Ủy ban về các về Xã hội của Quốc hội đã đề nghị đại diện các bộ, ngành làm rõ một số nội dung trong báo cáo. Cụ thể là: việc huy động các nguồn lực đảm bảo mục tiêu 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; chất lượng của mạng lưới y tế cơ sở; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo cử tuyển gắn với sử dụng…
Một số ý kiến đề nghị bố trí nguồn vốn đầu tư cho y tế cơ sở, ưu tiên cho các trạm y tế xã vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn và một số trung tâm y tế huyện mới chia tách ở các tỉnh miền núi, Tây Nguyên. Đối với lĩnh vực giáo dục, có ý kiến đề nghị các địa phương có kế hoạch duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, có giải pháp thực hiện phổ cập giáo dục cho những xã chưa đạt chuẩn, quy hoạch mạng lưới trường lớp, huy động nguồn lực trong xã hội để phát triển giáo dục và phổ cập giáo dục.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện báo cáo, phân tích sâu tồn tại, hạn chế để từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, đảm bảo việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả cao hơn.