Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, từ báo cáo tổng hợp về vụ việc này của các cơ quan chức năng, trong đó có báo cáo từ các đơn vị của Bộ Công Thương, cũng như các thông tin, dấu hiệu, chứng cứ vi phạm pháp luật của Khaisilk, cho thấy, hành vi vi phạm của doanh nghiệp này và các cửa hàng kinh doanh sản phẩm của Khaisilk là nghiêm trọng.
Cụ thể, đó là các hành vi: Làm giả nhãn mác cho các sản phẩm nhập từ nước ngoài, lừa dối và gây ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng…
Cửa hàng Khaisilk trên phố Hàng Gai, Hà Nội đóng cửa sau khi bị tố lừa dối khách hàng. Ảnh: Hoàng Dương. |
"Chúng tôi thấy đã đủ các yếu tố để cấu thành tội phạm, đặc biệt là tính chất nghiêm trọng trong lĩnh vực này. Quy mô và mức độ của hành vi vi phạm đã vượt quá ngưỡng xử lý vi phạm hành chính, đủ điều kiện để chuyển cơ quan Công an điều tra làm rõ" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, qua báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương cho thấy, có sự phức tạp trong mối liên hệ giữa Tập đoàn Khaisilk với các cửa hàng trực thuộc Tập đoàn này trong kinh doanh các sản phẩm sử dụng nhãn mác giả đó. Vì vậy, cần phải có cơ quan chức năng làm rõ mức độ vi phạm của hoạt động kinh doanh này.
"Vì vậy, chúng tôi đã thống nhất chỉ đạo chuyển cơ quan điều tra làm rõ" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Cùng với đó, đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì thành lập, gồm đại diện nhiều Bộ, ngành và các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Hải quan, Công an, Bộ Khoa học Công nghệ, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng… cũng sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ mức độ vi phạm đối với tất cả các cơ sở trong hệ thống kinh doanh của Khaisilk trên phạm vi cả nước.