Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Trục lợi bảo hiểm từ cả cơ quan y tế và người dân

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chiều nay (14/6), nhiều đại biểu chất vấn về việc trục lợi bảo hiểm y tế diễn ra ở một số địa phương trong thời gian qua.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) về tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ trưởng Tiến cho biết: Ngành y tế vừa tổ chức đoàn đi giám sát thấy có tình trạng lạm dụng từ 2 phía cơ quan y tế và người dân. Do giá dịch vụ tăng, quyền lợi được hưởng của người đóng bảo hiểm y tế tăng lên. Hiện nay, ngành y tế đã có chủ trương cho thông tuyến khám chữa bệnh nên nhiều trường hợp đã lạm dụng BHYT. Có người khám đến 20-30 lần trong thời gian ngắn, sáng đi khám, chiều lại từ bệnh viện này sang bệnh viện khác…

Với các cơ sở y tế, cơ chế tự chủ bên cạnh mặt tích cực cũng có hạn chế là lạm dụng kỹ thuật xét nghiệm, dịch vụ y tế cao, kéo dài thời gian nằm viện hoặc chưa thật cần thiết nhưng vẫn yêu cầu nằm viện… để tăng nguồn thu.

“Bộ sẽ làm quy trình quản lý khám chữa bệnh chặt chẽ hơn, kèm theo giám sát khám chữa bệnh bằng BHYT. Cùng với đó, bảo hiểm xã hội sẽ quy định định mức trần chi, đổi mới mô hình tự chủ của cơ sở y tế; y tế các cơ sở công nhận kết quả xét nghiệm của nhau... để nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh”, bà Tiến nói.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm Y tế Nguyễn Thị Minh trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Làm rõ hơn vấn đề về bảo hiểm y tế, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội cho biết, mỗi năm khám quỹ khám chữa bệnh BHYT đã chữa bệnh cho 150 triệu lượt người và hiện nay độ bao phủ 77 triệu người chiếm 83% dân số. Theo mục tiêu phấn đấu, đến năm 2020 sẽ đạt 80% khám chữa bệnh bằng BHYT.

Tuy nhiên, vì đối tượng khám chữa bệnh bằng BHYT lớn, 150 triệu người ở 14,000 cơ sở khám chữa bệnh nên tình trạng trục lợi BHYT thời gian gần đây diễn ra phổ biến và còn xảy ra sai sót. Nhiều bệnh viện chưa đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh nên dẫn đến bất cập như kéo dài ngày nằm bệnh nhân.

“Chúng tôi yêu cầu trang bị hệ thống thông tin giám định BHYT để kịp thời phát hiện những biểu hiện trục lợi thể hiện trên hệ thống này. Ví dụ, theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân lưu trú sau mổ chỉ cần 2 ngày nhưng bệnh viện cho lưu trú lên đến 7,1 – 7.5 ngày, giường bệnh tuyến huyện thường không sử dụng hết công suất nhưng có những tỉnh báo lên thanh toán lên đến 200 – 300% công suất. Những trường hợp không bình thường như vậy sẽ bị phát hiện”, bà Nguyễn Thị Minh cho biết.

Bà Minh cũng cho biết, tổng quỹ BHYT được phép sử dụng trong năm 2017 chỉ là 73 nghìn tỷ đồng nhưng theo số liệu dự báo chi quý I của các cơ sở báo cáo là năm nay chi khoảng 80 nghìn tỷ đồng.

Ngay sau câu trả lời của Bộ trưởng Tiến và Tổng giám đốc bảo hiểm xã hội các đại biểu đã có ý kiến tranh luận. Tranh luận phần trả lời chất vấn về việc tăng giá dịch vụ y tế làm khó người nghèo, Bộ trưởng Tiến cho rằng “thực ra là ngược lại”, vì những đối tượng nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi Nhà nước mua hết thẻ bảo hiểm y tế, nên tăng giá thì những người này được hưởng lợi vì không phải cùng chi trả.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho biết, nếu bệnh nhân bỏ 100 đồng đi khám bệnh thì bảo hiểm y tế chi trả 29 đồng, bệnh nhân tự trả 43 đồng; 19 đồng do Nhà nước trả và 9 đồng từ các nguồn khác. Như vậy nếu bảo hiểm y tế trả 1 đồng thì người dân đồng chi trả 1,5 đồng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu tỷ lệ đồng chi trả trên 30% thì không đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận các dịch vụ y tế. Nên hiện có xu thế người giàu khám chữa bệnh tuyến tỉnh, trung ương, người nghèo khám tuyến quận, huyện. Đây chính là sự mất công bằng, bất bình đẳng trong dịch vụ y tế. Nguyên nhân đã được nói nhiều, đầu tư chưa đủ, trang thiết bị yếu kém, đặc biệt vấn đề chuyên môn…


Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế tại 4 tỉnh với bệnh tăng huyết áp thì cho kết quả chuẩn đoán đúng 54%, kê đơn thuốc có thể có hại cho bệnh nhân 32%. Điều này gây mất lòng tin của người dân với y tế cơ sở. Vì thế có nghịch lý 70% bệnh nhân khám ở tuyến cơ sở, bảo hiểm y tế chi trả 30% tổng giá trị chi trả, trong khi đó 30% khám tuyến tỉnh thì bảo hiểm y tế chi trả 70%

Đại biểu Nguyễn Phi Thường đặt vấn đề nhằm tránh vỡ quỹ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế thực hiện chính sách siết chi. "Dường như chính sách y tế của ta đang theo xu hướng giá rẻ, đi ngược lại chủ trương nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đề nghị Bộ trưởng nêu rõ quan điểm về việc này?", ông Thường hỏi.

Trả lời tranh luận và câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Tiến cho biết sẽ tăng cường thanh kiểm tra, cùng đoàn BHXH phối hợp thông tin giữa bộ phận khám bệnh và giám định BHXH.

“Theo cơ chế phương thức thanh toán cũ là theo phí dịch vụ, tiêu bao nhiêu trả bấy nhiêu, tiêu nhiều trả nhiều thì người dân đi khám bệnh nhiều để được thuốc nhiều, cán bộ kê toa nhiều tăng mức chi nhưng Bộ Y tế nghiên cứu thay đổi ví dụ khoán mức chi, ví dụ một ca mổ ruột thừa khoán là 2 triệu đồng thì không thể lạm dụng, kéo dài thời gian nằm viện hoặc theo nhóm ca bệnh liên quan triệu chứng nhưng các nước phải mất 10 năm mới làm được. Nhật Bản vẫn thực hiện khoán chi nhưng giám sát của họ rất tốt, giám định từng bệnh án một nên không có cơ hội trục lợi còn ở nước ta công nghệ chưa hoàn chỉnh”, Bộ trưởng Tiến cho biết.

Trung Hiếu/Báo Tin Tức
Bộ trưởng Bộ Y tế: Giá thuốc Việt Nam không cao
Bộ trưởng Bộ Y tế: Giá thuốc Việt Nam không cao

Tại phiên chất vấn sáng nay (14/6) Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định giá thuốc Việt Nam thậm chí thấp hơn một số quốc gia trong ASEAN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN