Ngắn gọn, khái quát được tình hình
Qua theo dõi phiên chất vấn, đa số cử tri tỉnh Tuyên Quang đồng tình, đánh giá cao ý kiến chất vất của các đại biểu Quốc hội cũng như nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn phóng viên trong giờ giải lao. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Theo cử tri Đinh Kim Thái, tổ 28, phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang, không khí phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, nghiêm túc dưới sự điều hành của chủ tọa. Những ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã bám sát những vấn đề rất được nhân dân quan tâm hiện nay. Phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ngắn gọn, đầy đủ và đi thẳng vào trọng tâm vấn đề. Phần nội dung liên quan đến nguyên nhân, trách nhiệm và các biện pháp xử lý đối với 5 siêu dự án nghìn tỷ thua lỗ được cử tri cả nước quan tâm đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và tranh luận thẳng thắn với Bộ trưởng. Hầu hết các nội dung đều được Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời ngắn gọn, đầy đủ, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các bên liên quan cũng như hướng xử lý trong thời gian tới, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.
Cùng quan điểm trên, cử tri Đỗ Viết Đức, tổ 23, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang cho rằng, phiên chất vấn đã nêu được những vấn đề trong lĩnh vực công thương mà cử tri cả nước rất quan tâm như việc sử dụng nguồn vốn nhà nước, vấn đề quy hoạch vận hành của các hồ thủy điện, hàng giả, hàng kém chất lượng... Đối với việc xử lý 5 siêu dự án thua lỗ, Bộ trưởng đã nhìn nhận, trả lời thẳng thắn, rõ ràng vấn đề. Cử tri đề nghị Bộ Công Thương, Chính phủ cần có phương án quản lý hiệu quả hơn nữa nguồn ngân sách, không để xảy ra những dự án tương tự.
Nhận xét về phiên chất vấn, cử tri Nguyễn Văn Ánh, thôn Gành, xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cho rằng phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, hàng loạt vấn đề mà xã hội quan tâm đã được các đại biểu đặt câu hỏi và tranh luận thẳng thắn với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Trong thời gian ngắn nhưng Bộ trưởng cũng đã trả lời cơ bản được các nội dung mà cử tri quan tâm.
Trong vấn đề quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện, Bộ trưởng đã thẳng thắn nhìn nhận những bất cập trong công tác quản lý, quy trình vận hành dẫn đến việc xả lũ gây thiệt hại lớn cho nhân dân vùng hạ lưu. Tuy nhiên, việc xác định rõ trách nhiệm thuộc về cá nhân hay tổ chức nào thì Bộ trưởng vẫn chưa làm rõ. Riêng vấn đề quản lý phân bón, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ rõ một nguyên nhân, trong đó có việc quản lý yếu kém của các địa phương, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý phân bón giữa Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các địa biểu Quốc hội vào sáng 15/11, bà Huỳnh Thu Hà, cán bộ hưu trí, ngụ số 371 đường Châu Văn Liêm, khóm 3, phường 9 thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau nhận xét: Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mới vừa nhậm chức nhưng đã nắm được khái quát tình hình chung trong các lĩnh vực do Bộ Công thương quản lý. Bộ trưởng đã tự tin trả lời sát với các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, cách thể hiện mạch lạc, trôi chảy. Tuy nhiên, theo cử tri Bộ trưởng cần nêu được những giải pháp cũng như lộ trình cụ thể trong xử lý vụ việc.
Ông Nguyễn Văn Thước - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Trưởng ban Khoa học - Công nghệ thông tin phổ biến kiến thức, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Cà Mau, cho rằng: Không khí phiên chất vấn trước Quốc hội trang trọng và cầu thị. Việc điều hành chất vấn và trả lời rất dân chủ, bình đẳng và nghiêm túc. Các ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội đặt ra cụ thể, có theo đuổi kết quả, phản ánh đúng những quan tâm của cử tri cả nước về nhiều vấn đề bức xúc liên quan trách nhiệm Bộ Công Thương. Các ý kiến trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ngắn gọn nhưng khá đầy đủ, toàn diện những nguyên nhân tồn tại hạn chế cả khách quan lẫn chủ quan. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dù mới đảm nhiệm chức vụ nhưng rất thẳng thắn, không tránh né hay đổ lỗi mà thừa nhận trách nhiệm, có gợi ý, đề xuất hướng xử lý, giải quyết và hứa sẽ có giải pháp phù hợp cho từng vấn đề cụ thể do các đại biểu và cử tri đặt ra.
"Là một cử tri vùng sâu vùng xa, qua theo dõi chất vấn và trả lời chất vấn trong phiên đầu tiên này, tôi rất tin tưởng là kỳ họp Quốc hội lần này sẽ sớm có nhiều giải pháp hiệu quả đối với nhiều vấn đề lớn của đất nước", ông Thước nói.
Theo ông Nguyễn Việt Trung, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, phiên chất vấn rất sôi nổi và xác thực. Trong thời gian ngắn, Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời rất nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Trong đó, vấn đề quản lý bán hàng đa cấp được Bộ trưởng trả lời rất rõ tình hình thực tế về những mặt trái của bán hàng đa cấp, giải pháp tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
"Chúng tôi rất hoan nghênh Bộ Công Thương tham mưu và Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 31/10/2016 về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp. Đây là giải pháp đúng tầm và quyết liệt trong tình hình hiện nay. Đối với tỉnh Cà Mau, thời gian vừa qua có lúc có đến 35 công ty, chi nhánh bán hàng đa cấp hoạt động tại địa phương. Qua theo dõi, tuy chưa có vụ vi phạm đến mức xử lý hình sự như ở một số địa phương, nhưng ở tỉnh Cà Mau cũng đã phát hiện những biểu hiện và hành vi sai trái, trá hình, biến tướng, không đăng ký, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, gây hoang mang trong dư luận xã hội và gây thiệt hại về tài sản cho người dân . Do vậy, cử tri Cà Mau kiến nghị trong thời gian tới, Bộ Công Thương nghiên cứu tham mưu và theo thẩm quyền sửa đổi một số quy định để địa phương quản lý được chặt chẽ hơn, nhất là quy định doanh nghiệp phải có địa chỉ liên hệ tại địa phương", ông Trung cho biết.
Cần chỉ ra nguyên nhân thua lỗ của 5 dự án
Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Bộ Khoa học và Công nghệ chưa thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về việc thua lỗ của 5 dự án khi Bộ trưởng khẳng định với các dự án thua lỗ kéo dài, Nhà nước kiên quyết không tiếp tục đổ vốn vào “cứu” mà sẽ bán hoặc cho phá sản.
Ông Nguyễn Văn Cường cho rằng tái cơ cấu không thể chỉ bằng lý luận chung chung, phải nêu được địa chỉ rõ ràng, gắn với trách nhiệm tập thể, cá nhân. Với những dự án nói trên, đến nay vẫn chưa có phân tích cụ thể nào tìm ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến thua lỗ để từ đó khắc phục được triệt để vấn đề. Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường đề nghị Bộ cần tìm được nguyên nhân của những thất bại để người sau có thể tránh được sai lầm của người đi trước. Ông Nguyễn Văn Cường đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng phải làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Văn Cường, chuyên gia Luật kinh tế Phạm Hiếu cũng không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Công Thương về các vấn đề mà các đại biểu chất vấn, vẫn còn chung chung mang nặng tính lý giải hơn là đưa ra giải pháp. Đối với hoạt động bán hàng đa cấp đang bị biến tướng và gây ra nhiều hệ lụy, chuyên gia Phạm Hiếu cho rằng để kinh doanh hàng cấp có hiệu quả cần mở rộng khái niệm bán hàng đa cấp bởi vì kinh doanh đa cấp có những đặc thù riêng, không chỉ là mua bán hàng hóa mà còn là tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội mua bán hàng hóa.
Hơn nữa, mối quan hệ của các chủ thể tham gia trong kinh doanh đa cấp không chỉ là quan hệ giữa người mua, người bán hay bên giao đại lý và bên đại lý… mà nó gần như là tổng hợp của các quan hệ trên. Việc thừa nhận kinh doanh đa cấp như một hành vi thương mại không chỉ hợp lý về mặt lý luận, mà trên thực tế đa số các nước đều thừa nhận. Nếu chỉ thừa nhận kinh doanh đa cấp ở cấp độ văn bản dưới luật thì tính ổn định không cao, tạo tâm lý không yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào kinh doanh đa cấp ở Việt Nam. Vì vậy, Luật Thương mại sẽ chỉ quy định những vấn đề chung, mang tính nguyên tắc, còn những vấn đề cụ thể liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tham gia cũng như bảo vệ doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính trước những hành vi kinh doanh đa cấp bất chính, sẽ do các văn bản dưới luật điều chỉnh.
Theo cử tri Lê Kim Liên, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, khâu quản lý phân bón hiện nay vẫn còn rất nhiều bất cập. Không có quốc gia nào trên thế giới tồn tại hơn 9.000 loại phân bón; trách nhiệm đầu tiên là của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương đang quản lý rất nhiều nhà máy phân đạm lớn nhưng phân đạm, phân URE, phân SA nhập khẩu vẫn có giá rẻ hơn trong nước. Cử tri Lê Kim Liên đánh giá Bộ trưởng trả lời lưu loát nhưng có vẻ như né tránh trách nhiệm.
Để quản lý tốt ngành phân bón, theo cử tri Lê Kim Liên cần phân chia rõ ràng trách nhiệm giữa 2 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương vì Bộ Công Thương chỉ đảm nhận phần cấp phép sản xuất, còn việc quản lý những loại phân bón cho nông nghiệp thì phải là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.