Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã đề nghị Bộ trưởng làm rõ sự chênh lệch số năm thu phí giao thông giữa dự toán được phê duyệt với kết quả kiểm toán đã công bố và làm rõ việc thu phí BOT thực hiện trên cơ sở mở rộng, nâng cấp đường QL 1 trong thời gian tới sẽ khắc phục như thế nào?
Trả lời câu hỏi chất vấn này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, theo Luật và theo nghị định của Chính phủ, trong thời gian qua Bộ GTVT đã tổ chức đầu thầu dự án BOT, ký hợp đồng BOT trên cơ sở dự án BOT thực hiện.
Lý giải nguyên nhân dự án BOT thường phát sinh chi phí lớn, Bộ trưởng GTVT cho biết, trong dự án BOT thực hiện có nhiều phần dự thầu như: dự thầu khối lượng, dự kiến công tác giải phóng mặt bằng… nên giá trị lớn và có thể phát sinh kinh phí.
Trả lời về việc làm thế nào để đảm bảo tính công khai, minh bạch của các dự án BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn thể cho biết: Căn cứ vào các quy định của pháp luật, Bộ GTVT ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT theo dự án thực hiện. Để đảm bảo tính công khai, minh bạch Bộ GTVT trong quá trình thực hiện dự án BOT đã chủ động kiến nghị kiểm toán nhà nước cùng tiến hành kiểm toán trước khi Bộ GTVT quyết toán.
"Trong thời gian qua, có 56 trạm BOT, đến thời điểm này Kiểm toán Nhà nước đã tham gia kiểm toán 50 dự án, còn 6 dự án vẫn đang triển khai. Để đảm bảo quyền lợi của người dân, của nhà nước và của doanh nghiệp, Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư BOT và trong hợp đồng có điều khoản, giá trị sau quyết toán là căn cứ để Bộ GTVT đã điều chỉnh thời gian thu phí và các chính sách liên quan tới phí", Bộ trưởng cho biết thêm.
Lý giải việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện có sự chênh lệch lớn giá trị kiểm toán và giá trị đã được thực hiện của các dự án BOT đã kiểm toán, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: "Với những dự án triển khai nhanh, ít biến động giá, ít có phát sinh khối lượng thì việc điều chỉnh phần dự thầu này là phần chênh lệch số năm mà kiểm toán đã chỉ ra. Số liệu của Bộ GTVT và của Kiểm toán luôn tương đồng với nhau. Đặc biệt, có trường hợp số liệu quyết toán của Bộ GTVT còn thấp hơn cả của Kiểm toán Nhà nước".
"Bộ GTVT thấy rằng, sự phát hiện và chỉ ra của Kiểm toán Nhà nước là rất đúng, nhưng Bộ GTVT cũng đã thực hiện đúng và đảm bảo quyền lợi của người dân, Nhà nước với các dự án BOT", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Về việc thu phí BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đứng trên quan điểm bảo vệ lợi ích của người dân. Do đó, trong thời gian qua, khi mặt bằng giá tăng cao, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương và các nhà đầu tư, rà soát lại toàn bộ 56 dự án BOT.
"Có dự án đã được giảm giá 2 -3 lần, từ 35.000 đồng/ xe còn xuống còn 15.000 đồng/xe con. Bộ GTVT hoàn toàn đứng trên quan điểm của Đảng, Nhà nước và nhân dân để điều chỉnh mức phí, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhân dân. Căn cứ tính phí và giảm phí sẽ dựa trên lưu lượng xe đi qua các trạm và khả năng hoàn vốn của dự án để điều chỉnh", Bộ trưởng GTVT khẳng định.
Cam kết giảm phí BOT giao thông
Tại phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chất vấn vì sao một số dự án BOT không đặt ở đường chính, không đi cao tốc những vẫn phải trả tiền. "Có 6 dự án không đi đường tránh vẫn phải trả tiền. Dân chịu thì thu, dân không chịu thì dừng, giảm giá, sau đó thuyết phục, sau đó lại dừng đến khi dân chịu thì thu. Như vậy có vì lợi ích của dân không?", đại biểu Hoàng Quang Hàm đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời, một số dự án có lịch sử để lại, những dự án này đã được hoàn thiện từ lâu. Sau đó chuyển về Bộ GTVT tiếp nhận, ví dụ dự án Bắc Thăng Long Nội Bài. Năm 2014, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện việc thu phí. Do đó, với trách nhiệm của mình thì Bộ sẽ cố gắng thực hiện đúng theo chỉ đạo.
Còn những dự án trước đây đã được lập, chúng ta đưa vào dự án và dự án được duyệt đều có sự tham gia của chính quyền địa phương, các bộ, ngành. Thời điểm phê duyệt dự án, các bên có liên quan coi trạm thu phí ở đó hợp lý. Do đó, các trạm này nằm trong dự án. Hiện nay, nếu muốn di dời các trạm này thì Bộ GTVT phải tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội và có một khoản kinh phí để thực hiện.
Một số dự án lớn như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đây là dự án quan trọng nhưng việc đầu tư lớn, thời điểm đó Chính phủ đã họp nhiều lần và thống nhất chủ trương mở thêm trạm thu phí trên Quốc lộ 5. Tương tự, một số đường đã được nghiên cứu tuyến tránh, mở rộng tuyến tránh và nâng cấp tuyến đường cũ là mong muốn của người dân, địa phương trong việc mở rộng đô thị. Các tuyến đường tránh này để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Thời điểm đó, nghiên cứu dự án đảm bảo tính khả thi, nâng cấp hạ tầng để giúp địa phương phát triển. Toàn bộ công việc này đểu thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục, nghị định của pháp luật và có trách nhiệm của Bộ GTVT mà còn các bộ ngành, địa phương.
Để xử lý các dự án này, Bộ GTVT biết rằng, ngân sách hiện rất khó khăn. Khó mua lại toàn bộ các dự án này. Nếu Quốc hội thảo luận và biểu quyết cân đối được các nguồn vốn thì Bộ GTVT sẵn sàng mua lại toàn bộ các dự án này.
Về phía Bộ GTVT, Bộ sẽ cố gắng giảm các chi phí qua các trạm này, giảm cho người dân sống gần các trạm BOT.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết thêm, để minh bạch hóa các dự án BOT, Bộ GTVT đang đẩy mạnh việc thu phí không dừng. Dự kiến tới cuối năm 2019 toàn bộ các tuyến đường sẽ được thu phí không dừng.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT sáng nay, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề : Giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Ngay đầu giờ sáng đã có 36 đại biểu đăng ký chất vấn.