Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp hiện có rất nhiều áp lực, trong đó phải đảm bảo hai mục tiêu: thích ứng với biến đổi khí hậu và thích ứng với thị trường.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Theo Bộ trưởng, 2 năm vừa qua, diễn biến khí hậu ngày càng cực đoan hơn, gay gắt hơn, bất thường hơn cả dự báo, gây tổn hại lớn đến kinh tế - xã hội. Do đó, tái cơ cấu nông nghiệp phải coi mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu là nguyên tắc hàng đầu.
Thứ hai, tái cơ cấu cũng phải đảm bảo tính thích ứng với thị trường vì sản xuất của chúng ta không chỉ thỏa mãn nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.
"Nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến 180 nước, với giá trị xuất khẩu 30 tỷ USD, năm nay dự kiến đạt 35 tỷ USD. Cần phải xác định mặt hàng thế mạnh có chất lượng và giá phù hợp thì mới cạnh tranh được, nếu không thì thua ngay trên sân nhà", Bộ trưởng cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nếu tập trung quyết liệt thì hoàn toàn có thể tái cơ cấu thành công. Tình trạng biến đổi khí hậu cũng tạo ra những dư địa mới, có thể mang lại sức cạnh tranh. Ví dụ, đồng bằng sông Cửu Long trước đây chú trọng ưu tiên vào lúa gạo, thủy sản, trái cây, nay chuyển sang thứ tự thủy sản, trái cây và lúa gạo để thích nghi với biến đổi khí hậu.
"Ngành thủy sản vẫn có thể phát triển dù biến đổi khí hậu. Thế giới có 7 tỷ người, nếu mỗi người ăn 1 kg tôm thì nhu cầu là 7 triệu tấn nhưng nguồn cung hiện chỉ đạt 5 triệu tấn, dư địa xuất khẩu rất nhiều", Bộ trưởng dẫn chứng.
Theo Bộ trưởng, cần tập trung vào những khâu yếu nhất của từng ngành hàng để tập trung khắc phục, xây dựng sản phẩm quốc gia. Ví dụ, 5.000 ha nuôi cá tra cho sản lượng 1,3 triệu tấn nhưng khâu giống và chế biến sản phẩm còn yếu thì phải tập trung đầu tư.
"Ngoài sản phẩm quốc gia, chúng ta có sản phẩm cấp tỉnh, có tính quy mô, mang đặc trưng vùng miền, địa phương như xoài Cao Lãnh, cam Cao Phong, hoa Đà Lạt, nhãn lồng Hưng Yên. Ví dụ như Bắc Giang cũng thu 5.000 tỷ đồng từ vải thiều, gần 1.000 tỷ từ na… Chọn đúng sản phẩm chủ lực giúp tỉnh này thu về 500 triệu USD", ông Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Ngoài ra, chúng ta có chương trình Mỗi làng một sản phẩm, mỗi khu vực lân cận lại có một sản phẩm. Như Quảng Ninh đã đưa ra trên 200 sản phẩm chất lượng cao, một số sản phẩm có thể xuất khẩu được.
Về quản lý phân bón, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay cả nước có trên 14.000 sản phẩm phân bón, 96% là phân bón vô cơ. Sản lượng gấp 3 lần nhu cầu. Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần phải tăng sản phẩm phân hữu cơ vì mục tiêu nền nông nghiệp sạch, giảm phân vô cơ.