Giải trình các vấn đề liên quan đến dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh vào cuối phiên họp sáng nay 20/11, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán 2018 Quốc hội giao cho thành phố là 376.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, để hoàn thành dự toán 2018 thì thành phố phải thu trên 1.000 tỷ đồng/ngày. Như thế, khi làm dự toán, thành phố chỉ nhận phấn đấu tăng thêm 1% thì gánh nặng giao thu ngân sách sẽ giảm cho rất nhiều cho địa phương khác.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Phạm Kiên/ TTXVN. |
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Tài chính cũng thừa nhận, hiện nay động lực phát triển của thành phố đang chậm lại. Tăng trưởng bình quân từ mức hai con số trong giai đoạn 1986 đến 2010 là 10,7% đã giảm xuống một con số là 9,6% trong giai đoạn 2011-2015. Điều này đã tác động trực tiếp và làm chậm lại mức tăng trưởng chung của cả nước, cho dù trong thời gian này nhiều địa phương khác có mức tăng trưởng kinh tế vượt bậc nhưng do mức đóng góp không lớn nên không thể bù lại được.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng thu ngân sách của thành phố cũng chậm lại, từ khoảng trên dưới 20%/năm thì nay chỉ còn 14-16%/năm, nên đã tác động trực tiếp đến cân đối thu ngân sách Trung ương. "Khó khăn thu ngân sách của thành phố cũng khiến thu ngân sách của Trung ương khó khăn hơn nhiều", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về các cơ chế, chính sách đề xuất cho thành phố thí điểm, theo dự thảo Nghị quyết chủ yếu liên quan đến phân cấp, phân quyền đối với quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính, ngân sách; cơ chế uỷ quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức do thành phố quản lý... Theo quy định hiện hành, thẩm quyền thực hiện những vấn đề này là của các cơ quan cấp trên, nay giao cho thành phố thực hiện.
Theo Bộ trưởng, qua theo dõi, thấy đa số đại biếu nhất trí với đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên một số đại biểu còn băn khoăn liên quan đến phân cấp, phân quyền về quản lý tài chính, ngân sách đặc biệt là việc đề xuất cho thành phố nghiên cứu thí điểm chính sách thuế tài sản, điều chỉnh thuế suất hoặc chính sách thu hiện hành.
"Chúng tôi cho rằng băn khoăn này là xác đáng. Thực tế khi đề xuất nội dung này, Chính phủ và thành phố đã lường trước vấn đề nảy sinh. Do vậy, trong dự thảo Nghị quyết đã quy định các nguyên tắc để không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; hạn chế tối đa đến sản xuất, lưu thông hàng hoá trên thị trường cả nước, tập trung thu đối với hàng hoá thu nhập phát sinh trên địa bàn thành phố", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, ngay cả khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thì cũng không có nghĩa thành phố sẽ thực hiện ngay việc tăng thuế mà phải xây dựng đề án cụ thể như tăng thuế suất nào, tăng với đối tượng nào, đánh giá đầy đủ tác động đến môi trường kinh doanh, đời sống người dân và các tác động xã hội khác. Từ đó, báo cáo HĐND, báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội (nếu cần thiết) xem xét, quyết định.
Về thuế tài sản, Bộ trưởng cũng bày tỏ sự đồng tình như các đại biểu đã đề cập, đây là sắc thuế mới, khó, cần có sự đồng bộ của các lĩnh vực quản lý khác; đồng thời cần sự đồng thuận nên cần có thí điểm để tổng kết, nhân rộng.
"Chúng tôi cũng đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, nên mở rộng đối tượng thu thuế ở nhiều chính sách thuế hiện có; tập trung vào thuế điều tiết, tiêu dùng trên địa bàn thành phố của các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân; sản xuất, kinh doanh mặt có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Đồng thời tăng cường các biện pháp chống thất thu và quản lý nợ đọng thuế; chống chuyển giá và gian lận thương mại", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo dự thảo Nghị quyết, HĐND TP Hồ Chí Minh sẽ báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất việc thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản cũng như việc thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trừ các chính sách thuế thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.