Sáng 10/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, đóng góp ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) rất quan trọng trong việc hoàn thiện dự án Luật này.
Mục tiêu xây dựng Luật là để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp, bảo vệ nhân dân, không ai bị xâm phạm về đời tư cá nhân, dư liệu cá nhân.
Hiện nay công an các cấp và địa phương vẫn đang làm căn cước cho người dân, qua thống kê dân số có nhiều người không có giấy tờ, không có căn cước, không hộ khẩu. “Đây là một con số rất đáng buồn”, Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu.
Bộ trưởng Tô Lâm, cho biết: Từ trước đến giờ chúng ta nói hệ thống quản trị rất chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, nhưng bỏ lọt rất nhiều, con số lên đến hàng triệu người, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
“Có những người chưa bao giờ đi ra khỏi nhà mình, chưa bao giờ đi ra khỏi làng mình, bản mình. Chủ yếu là người yếu thế, người già không nơi nương tựa, người ốm đau bệnh tật kéo dài, người tàn tật. Họ chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà của họ, không có nhu cầu kết nối xã hội, chưa từng đi đâu, chưa từng được chụp ảnh. Rất xúc động, khi thấy những cụ già đến chụp ảnh làm căn cước công dân, các cụ nói tôi 70 tuổi rồi, chưa bao giờ được chụp một cái ảnh. Đó là những câu chuyện thực tế khi đi vào vùng sâu, vùng xa”, Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm: Ngay tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng có hàng trăm ngàn người không có giấy tờ gì. Họ là những người từ nhiều vùng trên cả nước đến các thành phố lớn vì cuộc sống, để kiếm sống đã hàng chục năm nay. Từ cậu bé đi đánh giày, lớn lên trưởng thành ở Hà Nội, những người bán hàng rong, đi làm thuê, làm mướn. Họ cũng phát triển lên, có gia đình, sinh con đẻ cái. Các cháu sinh ra vẫn theo số phận bố mẹ, không có hộ khẩu, không có giấy tờ, không được đi học. Cháu không có giấy khai sinh làm sao đi học được. Lớn lên lại tiếp tục đánh giày, lại đi vào cuộc sống khó khăn như vậy.
“Nếu chúng ta không đưa vào quản lý, tạo điều kiện cho họ thì sẽ rất bất cập. Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ điều đó. Trong đại dịch, chúng ta nói “ai ở đâu ở yên đó”, nhưng bản thân những người này làm gì có địa điểm sinh sống cố định”, Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu.
Theo Bộ trưởng Công an, đối với công tác quản lý xã hội, việc hình thành cơ sở dữ liệu dân cư là một cải cách lớn. “Trước đây chúng ta có bộ phận một cửa đã là tiện lợi rồi, nhưng giờ tiện lợi gấp bội phần vì mọi giao dịch đều diễn ra trên môi trường điện tử. Người dân ngồi ở nhà cũng có thể làm thủ tục với cơ quan nhà nước được, không cần đến nộp hồ sơ trực tiếp nữa”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Bộ trưởng Tô Lâm lấy ví dụ, tại Bộ Công an hiện có khoảng 200/245 thủ tục đã và đang được thực hiện trên môi trường điện tử. Hiện nay đã cấp hộ chiếu online, người dân không còn phải đứng xếp hàng làm hộ chiếu nữa. Trong khi, ngày xưa đi làm hộ chiếu thì cầm cả một tập hồ sơ, từ xác nhận của công an xã, phường cho đến hàng loạt giấy tờ khác, đến nỗi cơ quan cấp hộ chiếu không còn chỗ mà lưu trữ hồ sơ nữa.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, căn cước công dân với các thông tin tích hợp trong đó sẽ giúp tiết kiệm chi phí xã hội hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nhà nước tiết kiệm được chi phí Tổng điều tra dân số mỗi lần từ 1.500 - 2.000 tỷ đồng, tiết kiệm hàng loạt các giấy tờ về lái xe, chứng thực, sổ bảo hiểm, số theo dõi sức khoẻ… vì các thông tin đã được tích hợp trong căn cước của người dân.