Tham dự lễ ký kết có Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Võ Minh Lương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng nhiều đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, Tổ chức quốc tế…
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đánh giá, phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân là công tác rất phức tạp, liên quan đến nhiều lực lượng, nhiều quốc gia. Phương thức hoạt động của tội phạm rất tinh vi và xảo quyệt. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao và các tỉnh, thành phố, trước hết cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc ngành triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ tại Quy chế này.
Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người; tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" và "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7"; phối hợp tổ chức các chiến dịch truyền thông tại các địa bàn trọng điểm; nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân, câu lạc bộ phòng, chống mua bán người hoạt động hiệu quả; lồng ghép và truyền tải thông điệp phòng, chống mua bán người vào các chương trình công tác của các ngành.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phải nâng cao hiệu quả, chất lượng nghiệp vụ công tác tiếp nhận, xác minh, các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật; tăng cường hợp tác quốc tế; hoàn thiện hành lang pháp lý về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân.
Đồng thời, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của các Bộ trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng phối hợp giữa các Bộ và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thực hiện công tác này.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá nội dung chặt chẽ phù hợp giữa lý luận và thực tiễn. Việc ký kết quy chế là cơ sở quan trọng để phối hợp toàn diện hơn, thường xuyên hơn, chặt chẽ hơn để đem lại hiệu quả tốt hơn đối với công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong thời gian tới, đáp ứng được lòng mong mỏi và kỳ vọng của nhân dân cả nước. Điều này cũng thể hiện sự cam kết, nỗ lực của Chính phủ trong công tác phòng, chống mua bán người với bạn bè quốc tế.
Với vai trò là thường trực Chương trình Phòng, chống mua bán người của Chính phủ, ngay sau lễ ký kết, Bộ Công an sẽ khẩn trương chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể.
“Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hội ban, ngành, địa phương tham mưu bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý của thiết cho công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo nguyên tắc ‘lấy nạn nhân là trung tâm’, nhất là trong quá trình tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống mua bán người,”
Quy chế phối hợp gồm 3 chương, 15 điều, quy định rõ nguyên tắc phối hợp, hình thức phối hợp, xác định rõ nội dung và trách nhiệm phối hợp, truyền thông nâng cao nhận thức, tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân; đào tạo bồi dưỡng cho người làm công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại cho nạn nhân trong quá trình tiếp nhận, thống kê, kiểm tra thực hiện các biện pháp tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán...