Theo quy định, xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ phải lắp thiết bị giám sát hành trình bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Thông tin, dữ liệu thu thập từ thiết bị giám sát hành trình lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, quản lý nhà nước về vận tải đường bộ và được kết nối, chia sẻ với Bộ Giao thông vận tải (Cục Đường bộ Việt Nam), Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 151/2024/NĐ-CP cũng quy định xe ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ phải lắp thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Nghị định nêu rõ, việc quản lý, sử dụng thiết bị, truyền dẫn, cung cấp, cập nhật, lưu trữ, sử dụng dữ liệu thu thập từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe. Nghị định số 151/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Theo đánh giá, việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình đã góp phần giảm tỷ lệ tai nạn giao thông cũng như tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000 km. Cụ thể, năm 2015 tỷ lệ này là 11,5 lần/1.000 km, đến năm 2022 giảm xuống còn 0,75 lần/1.000 km, giảm 15 lần so với năm 2015.