Râm ran mua bán chức quyền
Đánh giá về những hạn chế trong nhiệm kỳ của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu vấn đề: “Cử tri và nhân dân rất bức xúc, thường xuyên kiến nghị Chính phủ cần quan tâm, đó là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, tình trạng chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp. Gần đây, Tổng Bí thư có nêu một khái niệm là chạy luân chuyển. Có nghĩa là có chính sách gì mới là chạy. Việc này dân biết, Đảng biết, Chính phủ và các ban, ngành biết. Nhưng chúng ta thiếu một cơ chế, cơ sở để gắn trách nhiệm cho người đứng đầu trong quá trình xử lý và chính vì thế câu hỏi ‘Chạy ai?’, ‘Ai chạy?’, chúng ta chưa trả lời được”.
Không khí nghị trường càng trở nên sôi nổi hơn với phát biểu hết sức thẳng thắn của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh). Nêu phản ánh từ dư luận “râm ran có tình trạng chạy chức chạy quyền”, đại biểu đặt câu hỏi: Hay đó là sự thật? Và vì sao người ta thích chạy và vì sao người ta chạy được? Theo đại biểu, nạn chạy chức quyền tạo ra bất công rất lớn trong xã hội. Người trong sạch thì không ai chơi, mà lại còn bị coi là quan hệ kém.
Cũng theo đại biểu Đỗ Văn Đương, không chỉ tạo ra bất công lớn mà tình trạng chạy chức chạy quyền còn “đẻ” ra tham nhũng. “Bởi vì chính họ, mua bán xong rồi, họ phải đi vơ vét mới đủ bù chi phí đã bỏ ra. Đấy là quy luật, đấy là thị trường. Đây cứ nói là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, nhưng mà nhạy cảm phức tạp thì cũng phải làm chứ. Bởi vì nó gây nguy hiểm đến sự tồn vong của chế độ”, đại biểu bức xúc.
Mạnh dạn kỷ luật
Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng chỉ có Bộ Chính trị mới giải đáp được câu hỏi này và chính Bộ Chính trị sẽ đưa ra quyết sách tấn công trình trạng chạy chức chạy quyền như tấn công tội phạm. Đại biểu nói: “Tôi chỉ tiếc trong Bộ luật Hình sự vừa rồi không đưa vào tội mua bán chức quyền. Mấy lần tôi đề nghị rồi, vẫn chưa được, vì đấy là hành vi tội phạm. Bây giờ chỉ trông chờ Bộ Chính trị, cơ quan cao nhất của Đảng, mà Đảng ta lãnh đạo toàn diện. Có lẽ trước hết tập trung vào chỗ này thì mới hiệu quả”.
Nhìn nhận trách nhiệm chống tham nhũng và phạm pháp là của cả hệ thống chính trị, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh đến vai trò chủ công của Chính phủ. Dẫn phản ánh từ cử tri, đại biểu đề nghị Chính phủ tới đây cần phải cải cách cách thức điều hành, Thủ tướng Chính phủ phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các bộ trưởng, các chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, không đợi hết nhiệm kỳ, chấm dứt tình trạng trên bảo dưới “làm lơ” trong hành pháp.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) thì cảm thấy rất đáng lo về tình trạng xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp, với nguyên nhân được nêu trong báo cáo của Chính phủ là nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN vẫn chưa đủ rõ và còn khác nhau.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm mong muốn Chính phủ nhiệm kỳ mới, với kỳ vọng của nhân dân, sẽ giải quyết thấu đáo vấn đề này. Đồng thời, Trung ương Đảng, Quốc hội cần quan tâm trong lãnh đạo, giám sát, để vấn đề nhận thức nêu trên không còn được xem là một nguyên nhân dẫn tới hạn chế của Chính phủ trong việc xây dựng thể chế, chính sách.