Thực hiện đồng bộ cả hai dự án là mục tiêu cần quyết tâm rất lớn, và đặc biệt hơn khi mục tiêu đó thêm bội phần thử thách bởi được triển khai trong bối cảnh rất khác biệt, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Tới thời điểm này, hơn 50 triệu thẻ đã được cấp, căn cước công dân gắn chíp đã phát huy ngay hiệu quả tức thời với nhiều ứng dụng trong phòng dịch và hướng tới sẽ liên thông, tích hợp với nhiều hệ thống dữ liệu khác để cải cách hành chính, giảm tải giấy tờ, phục vụ người dân. Việc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chính thức đi vào hoạt động là điểm nhấn quan trọng - bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 5 bài viết: "Bước tiến trong đổi mới quản trị quốc gia".
Bài 1: Những chiến dịch ngày và đêm
Việc triển khai, xây dựng Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất cấp, quản lý căn cước công dân là hai dự án công nghệ thông tin lớn, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Để thực hiện thành công các dự án này, đã có những "chiến dịch ngày và đêm" của lực lượng Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc và trực tiếp là những cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính.
Hai dự án cấp thiết
Chứng minh thư nhân dân đầu tiên được cấp năm 1957 và đã thay đổi 6 lần. Đa phần người dân Việt Nam đủ tuổi làm giấy tờ tùy thân trong hàng chục năm trở lại đây trải qua 3 thời kỳ thẻ/giấy. Thế hệ đầu tiên là giấy chứng minh nhân dân 9 số. Thế hệ thứ hai là thẻ chứng minh nhân dân 12 số bằng nhựa với kích cỡ nhỏ chỉ bằng khoảng 1/2 giấy chứng minh nhân dân trước đó. Tiếp đó là thẻ căn cước công dân 12 số bằng nhựa với mã vạch.
Tuy nhiên, khả năng lưu chứa dữ liệu của thẻ căn cước công dân mã vạch rất hạn chế hay có thể nói, mã vạch mới chỉ có thể số hóa những thông tin cơ bản của cá nhân chứ không thể lưu trữ được lượng dữ liệu lớn về cá nhân đó như liên quan đến thuế, bảo hiểm, giấy đăng ký xe…, đặc biệt là những loại dữ liệu về hình ảnh cần bộ chứa có dung lượng lớn.
Với sự phát triển không ngừng của đời sống, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử là nhu cầu cấp thiết, phù hợp với xu thế quốc tế, có ưu điểm là lưu giữ dữ liệu lớn hơn, truy xuất dữ liệu nhanh hơn, khả năng bảo mật cao hơn và khó bị xâm nhập và làm giả.
Năm 2020, theo đề xuất của Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án sản xuất, cấp đổi thẻ căn cước công dân từ thẻ từ sang thẻ gắn chíp điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, giúp người dân trong tương lai đi làm thủ tục bớt phải mang cùng lúc nhiều giấy tờ.
Đồng thời với hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Công an chủ trì xây dựng, triển khai Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là một trong 6 nền tảng quan trọng cho xây dựng Chính phủ điện tử.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai dự án (tháng 3 và tháng 9/2020), Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo do Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an trực tiếp là Trưởng ban, ba Thứ trưởng Công an là Phó Trưởng ban và các Cục nghiệp vụ liên quan tham gia để chỉ đạo thực hiện quyết liệt, trong đó xác định việc thực hiện hai dự án là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, là chiến dịch của toàn lực lượng trong năm 2020 và năm 2021. Đồng thời, Bộ đã xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể kèm theo các mốc thời gian tính theo từng ngày, với tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng" để hoàn thành dự án.
Những chiến dịch ngày và đêm
Đây là hai dự án công nghệ thông tin rất lớn, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam với phạm vi, quy mô triển khai rộng từ Trung ương đến địa phương gồm hơn 700 quận, huyện và gần 11.000 xã, phường, thị trấn.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư hai dự án, một khối lượng công việc khổng lồ với nhiều mục tiêu tiến độ đặt ra đối với lực lượng Công an toàn quốc, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm chính trị rất lớn.
Từ tháng 11/2020, lực lượng Công an triển khai thu nhận, cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, thu nhận vân tay lăn của công dân trên toàn quốc. Từ tháng 12/2020, Bộ Công an sản xuất, cấp thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử trên toàn quốc. Sau 5 tháng không ngừng nỗ lực, tháng 3/2021, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã chính thức được khai trương. Mục tiêu đến 1/7/2021, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính thức được vận hành.
Để hoàn thành được khối lượng công việc lớn đó, đồng loạt các chiến dịch "ngày và đêm" với những "con số, đường vân" đã được lực lượng Công an triển khai từ cấp Trung ương đến các địa phương.
Hình ảnh những người cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân tất bật làm các thủ tục để cấp căn cước công dân đã không còn xa lạ với người dân trong suốt thời gian qua. Việc chồng việc, nhưng với tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm hoàn thành cho được mục tiêu "trước ngày 1/7/2021 sẽ cấp được hơn 50 triệu thẻ căn cước công dân trong cả nước" mà Bộ Công an đã đề ra, biết bao cán bộ, chiến sỹ trực tiếp sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đã vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Như nhiều địa phương khác, Công an tỉnh Ninh Thuận có "chiến dịch 178 ngày và đêm". Đến ngày 1 tháng 3 năm 2021, "Chiến dịch 178 ngày đêm" bỗng được chạy nước rút chuyển thành "Chiến dịch 122 ngày đêm" sau khi có Điện khẩn từ Bộ Công an. Thiếu tá Từ Thị Viễn Linh, Đội trưởng, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Ninh Thuận) nhớ lại ngay khi đó đã diễn ra một cuộc họp khẩn cấp giữa Ban Giám đốc Công an tỉnh và đơn vị chức năng để phân bổ lại chỉ tiêu, sắp xếp lại phương tiện, máy móc, điều tiết con người cho phù hợp, bàn bạc biện pháp tuyên truyền và nhiều công tác khác cần thực hiện nhằm đảm bảo hoàn thành chiến dịch nước rút 122 ngày đêm Bộ Công an giao phó.
Nhiều hôm, khi đồng hồ đã điểm 1, 2 giờ sáng nhưng tại Phòng Giải quyết thủ tục hành chính Công an vẫn sáng đèn, còn đông công dân chờ làm thủ tục cấp căn cước. Do vậy, lúc đầu theo kế hoạch mỗi ngày, một tổ công tác thực hiện tiếp nhận, xử lý từ 300 – 400 hồ sơ cấp căn cước công dân, nhưng khi vào chiến dịch, lượng hồ sơ tiếp nhận trung bình từ 600-700, có ngày lên tới 1.200 - 1.300 trường hợp. Thành viên trong tổ công tác chia 3 ca "gối sóng", chạy đua với thời gian để thực hiện nhiệm vụ với tâm niệm "hết việc chứ không hết giờ". Những câu nói: "Hết đợt công tác này có lẽ con cái sẽ quên luôn cả mặt bố mẹ" không chỉ là đùa vui, mà còn là thực tế khi các anh, các chị đã tạm gác lại gia đình để chạy đua với thời gian, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trong khoảng thời gian eo hẹp.
Có lẽ trong trí nhớ của nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an và người dân đến làm căn cước công dân tại trụ sở Công an thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa), hình ảnh em bé 2 tuổi say giấc bên chiếc giường tạm trong phòng làm việc đã khá quen thuộc và gây xúc động mạnh. Đó là con của Đại úy Nguyễn Thị Thu Trang, Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính và Trật tự xã hội. Được phân công là Đội trưởng Tổ cấp căn cước công dân lưu động, hàng ngày, không kể thứ Bảy hay Chủ nhật, nghỉ lễ, Đại úy Thu Trang vẫn cùng các thành viên trong Tổ đi đến cơ sở để thực hiện thủ tục cấp căn cước công dân. Buổi tối, nếu không phải ca trực cấp căn cước lưu động, chị lại quay về cơ quan để rà soát, hoàn thiện hồ sơ, cập nhật vào phần mềm. Hai vợ chồng Đại úy Trang đều là Công an, ông bà nội ở xa, ông ngoại già yếu, những lúc ngoài giờ không nhờ được người trông con, cháu bé lên "công tác" cùng mẹ. Dường như "hiểu chuyện", bé tự chơi, khi mẹ hoàn thành công việc cũng đã về khuya, con đã say giấc.
Ngoài việc tổ chức cấp căn cước công dân ở các địa điểm hành chính, để tạo điều kiện cho người dân và đẩy nhanh tiến độ dự án, các tổ cấp căn cước công dân lưu động thường xuyên bám địa bàn, chia nhỏ từng khu vực và đẩy mạnh dịch chuyển nhằm đạt được chỉ tiêu tốt nhất. Thiếu tá Vũ Văn Hưng, Trưởng Công an huyện Mường Nhé (Điện Biên) kể lại những ngày cao điểm triển khai chiến dịch cấp căn cước công dân trên địa bàn. Từ khi vào chiến dịch, hai tổ làm căn cước công dân phải di chuyển máy đến làm trực tiếp tại tất cả 11 xã của huyện. Để thuận lợi cho bà con, có xã địa bàn rộng thì phải chia thành 2-3 điểm làm.
Những ngày vác máy vào bản là những ngày không thể nào quên. Hẹn bà con đến từ 6 giờ, anh em phải dậy từ rất sớm, trời còn mờ tối đã lên đường. Người lái xe máy, người ngồi sau vác lỉnh kỉnh máy móc, đồ đạc, hồ sơ, giấy tờ. Nhiều bản cách trung tâm huyện đến mấy chục cây số, đường đất hẹp, dốc đứng, địa hình chia cắt. Có những nơi, xe máy không vào được, anh em đành vác bộ. Xã lại đông dân cư nên tổ căn cước phải mang theo tư trang cắm chốt ở đó cả tuần, nấu ăn và ngủ nhờ. Lo nhất là hôm trời mưa to gió lớn ở bản mất điện nên phụ kiện có thêm cả máy nổ và xăng dầu. Nhiều trường hợp người dân ở xa bị tàn tật, già yếu không thể tự đến, anh em phải nhờ người chở họ đến và cõng họ vào làm căn cước công dân. Hết xã này lại di chuyển sang xã khác, ròng rã nhiều ngày trời…
Vất vả là thế, nhưng khi thấy bà con nghỉ lên nương rẫy, đi bộ từ đêm để làm căn cước là anh em lại có thêm động lực làm việc. Chỉ cần nghe câu nói "Cán bộ làm cái căn cước cho chúng tôi đi" là bao nhiêu mệt nhọc vơi bớt.
Ngoài áp lực về thời gian, tiến độ, việc làm căn cước công dân có rất nhiều tình huống, "ca khó" diễn ra trong thực tế mà nếu cán bộ không sáng tạo, nhanh trí sẽ rất mất thời gian, ùn ứ công việc. Đấy là việc người dân bị mồ hôi tay hoặc bị mòn hết vân tay nên máy không thể ghi nhận được thông tin. Một cán bộ Công an bật mí: "chúng tôi ngâm tay họ vào nước lạnh, dùng khăn khô lau sạch, chịu khó chờ vài phút" để giải quyết tình huống này. Hay ở công đoạn chụp ảnh, nhất là ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bà con thường mặc trang phục truyền thống, rất khó lấy được ảnh đúng quy định hoặc trường hợp mí mắt bị xụp, hệ thống điện tử không thể ghi nhận... Tất cả những "rào cản" đã được "hóa giải" bằng sự tận tâm, tận tụy của các chiến sỹ Công an.
Cán đích trước tiến độ
Tổng kết lại khi hai dự án chính thức đi vào hoạt động, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá, đây là hai dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta, chưa có tiền lệ, phạm vi triển khai rộng, từ các cơ quan Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố với hơn 700 quận, huyện và gần 11.000 xã, phường, thị trấn trong toàn quốc. Công việc lại triển khai trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát phức tạp, đặt ra nhiều thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao và hành động quyết liệt, sáng tạo mới có thể hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp bách của hai dự án và những khó khăn, thách thức đặt ra, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công an đã khẩn trương tổ chức, triển khai thực hiện, trong đó xác định việc xây dựng hai dự án vừa là trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị, vừa là mệnh lệnh công tác và cũng là danh dự của lực lượng Công an nhân dân.
Mặc dù là hai dự án độc lập nhưng Bộ Công an đã chỉ đạo lồng ghép tối đa trong quá trình thực hiện để bảo đảm đồng bộ tránh lãng phí, qua đó giảm được mức dự toán so với ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng.
Với sự nỗ lực, quyết tâm đó, Bộ Công an đã hoàn thành trước tiến độ cả hai dự án dù trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Ngày 22/6/2021, Bộ Công an đã tổ chức Lễ công bố vận hành chính thức hệ thống Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân từ ngày 1/7/2021.
Phát biểu tại lễ vận hành này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, đây là một dự án đầu tư công quy mô lớn, khó khăn, phức tạp, tiến hành và đưa vào sử dụng hiệu quả trong thời gian ngắn, để lại bài học quý về khắc phục những hạn chế, bất cập trong đầu tư công, tránh dàn trải, tập trung, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ xứng đáng nhất trong lúc đất nước còn khó khăn, cùng với đó là việc lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao, nỗ lực lớn. Thủ tướng Chính phủ nhắc tới sự vào cuộc, hưởng ứng của người dân, từ đó cho thấy đây là hai dự án "hợp lòng dân".
Bài 2: Đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống"