Với ưu thế vượt trội về công nghệ và an toàn bảo mật, IPv6 là giao thức mặc định trong mạng 5G và các thiết bị thông minh kết nối internet vạn vật (IoT). Đây là tài nguyên số giúp phát triển mạng internet, hạ tầng, dịch vụ số, là điều kiện tiên quyết để Việt Nam xây dựng và phát triển các công nghệ, nền tảng phục vụ chuyển đổi số và xây dựng chính phủ số.
Đi trước đón đầu
Đón trước xu thế công nghệ, từ năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định chuyển đổi IPv6 là thiết yếu để đảm bảo sự phát triển nhanh chóng của internet. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các doanh nghiệp, Hiệp hội Internet Việt Nam, trong đó Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) là thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia.
Đồng thời, kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 được xây dựng tổng quan và các đơn vị liên quan triển khai từ năm 2011 đến năm 2019. Kết quả là cuối năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu chuyển đổi giao thức internet để đảm bảo internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chia sẻ: Yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam là chúng ta đã đi tắt và đi tiên phong trong chuyển đổi IPv6. Việt Nam đã làm sớm và mạnh dạn chuyển đổi, thậm chí đi trước nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới trong việc chuyển đổi này.
IPv6 là tiêu chuẩn kết nối bắt buộc trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và chuyển đổi số tại Việt Nam. Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển IPv6 trong thời gian qua. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet tại Việt Nam đã tiên phong chuyển đổi IPv6, cung cấp dịch vụ truy cập internet IPv6 tới người sử dụng với 11 triệu thuê bao băng rộng cố định và hơn 34 triệu thuê bao di động.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, hạ tầng số cần đi trước một bước, mà internet là một bộ phận quan trọng không thể thiếu của chuyển đổi số. Chính vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước với mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam sẽ hoàn thành triển khai IPv6 tại tất cả các cơ quan nhà nước. “Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng chung tay với các cơ quan nhà nước và các địa phương để tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ triển khai IPv6. Bộ Thông tin và Truyền thông với đầu mối là Trung tâm internet Việt Nam sẽ đồng hành với các cơ quan, tổ chức nhà nước trong chặng đường này”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết.
Ông Paul Wilson, Giám đốc Trung tâm tổ chức quản lý địa chỉ internet khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APNIC) ghi nhận: Việt Nam là tấm gương tiêu biểu triển khai IPv6 trên toàn cầu. Kết quả này có được không chỉ do Việt Nam đã quyết định sáng suốt thực hiện chuyển đổi ngay từ thời điểm ban đầu, mà còn do việc xác định rõ mục tiêu cho kế hoạch chuyển đổi và nỗ lực trong toàn bộ hành trình chuyển đổi IPv6, bao gồm cả việc gắn kết các đơn vị trong cộng đồng internet Việt Nam và khu vực. Từ góc nhìn của tổ chức quản lý địa chỉ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Paul Wilson khẳng định vai trò tích cực của Trung tâm internet Việt Nam (VNNIC) trong triển khai IPv6 cũng như phát triển internet tại Việt Nam. Ông Paul Wilson cũng khẳng định, trong tương lai, APNIC sẽ luôn đồng hành cùng VNNIC để đạt được những kết quả tốt nhất trong phát triển internet Việt Nam và đóng góp cho sự phát triển chung của internet khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
100% người dân sử dụng truy cập IPv6
Theo tính toán, địa chỉ IPv4 sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào giữa năm 2021 và sẽ không còn được sử dụng trong giai đoạn tới. Trong khi đó, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi hoàn toàn hạ tầng mạng internet Việt Nam sang kết nối trên nền tảng internet IPv6, làm nền móng xây dựng hạ tầng số để chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số. Do đó, trong năm 2020, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã triển khai máy chủ tên miền gốc (DNS Root) tại hệ thống Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX), giúp tăng tốc độ truy cập tên miền tại Việt Nam (những địa chỉ internet tên miền .vn) hơn 5 lần, giảm sự phụ thuộc vào kết nối quốc tế.
Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) là một trong những đơn vị tiên phong tham gia trong Ban công tác chuyển đổi IPv6 và cũng là đơn vị đầu tiên tham gia khai trương mạng IPv6 quốc gia. Ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng ban Công nghệ Mạng, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam cho biết: Từ tháng 8/2018, toàn bộ hạ tầng của VNPT đã đáp ứng chuẩn kết nối IPv6 tại 63 tỉnh, thành phố với 46 triệu thuê bao băng rộng cố định.
Ông Vĩnh Tuấn Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty viễn thông MobiFone chia sẻ, thời gian gần đây, những dịch vụ cung cấp mới của MobiFone đều trên nền tảng IPv6. Thời gian tới, MobiFone sẽ cố gắng hoàn thiện các giải pháp tổng thể để 100% thiết bị đầu cuối 4G và 5G của MobiFone sẽ sử dụng IPv6.
Để đảm bảo công tác chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam tiếp tục tăng triển tốt, đồng bộ, đạt mục tiêu đề ra trong cả mảng nội dung số và khối cơ quan nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức ban hành Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021-2025. Với sự tiên phong và nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông, các tổ chức, doanh nghiệp trong suốt 12 năm, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế trong khu vực và thế giới về chuyển đổi internet sang thế hệ mới IPv6, nền tảng để xây dựng hạ tầng số phát triển chính phủ số tại Việt Nam.
Theo thống kê đến hết năm 2020, Trung tâm internet Việt Nam đã tổ chức thành công 60 khóa đào tạo về IPv6 cho hơn 2.160 cán bộ của các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, để khẳng định vị thế trong khu vực và quốc tế, VNNIC đã chủ động, hỗ trợ các đối tác quốc tế trong đào tạo, tư vấn chuyển đổi IPv6, chia sẻ kinh nghiệm và triển khai các hoạt động, dự án thúc đẩy IPv6 tại các diễn đàn, hội thảo internet lớn trong khu vực và trên thế giới. Song song với chương trình đào tạo trực tiếp, VNNIC đã triển khai nền tảng VNNIC Internet Academy, thực hiện đào tạo IPv6 trực tuyến, cung cấp rộng rãi, miễn phí cho cộng đồng. Ngoài ra, việc truyền thông, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về IPv6 được Trung tâm Internet Việt Nam xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện nhiệm vụ này, Trung tâm internet Việt Nam đã tích cực hợp tác, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các đơn vị chức năng triển khai hội thảo thường niên “Ngày IPv6 Việt Nam”, các khóa đào tạo chuyên sâu về IPv6, bảo mật cho IPv6 (IPv6 security), IPv6 cho 4G, 5G và IoT, IPv6 dành cho doanh nghiệp nội dung số.
Tính đến giữa tháng 1/2021, Việt Nam có khoảng 34 triệu người sử dụng IPv6, (tỷ lệ đạt 46% số người Việt Nam dùng internet), 33 tỉnh, thành phố và 4 bộ, ngành ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6. Hiện tại, 13 Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, tỉnh, thành hoạt động tốt với hệ thống địa chỉ internet IPv6. Với những nhận định đúng đắn cùng sự nỗ lực của những đơn vị chuyên về hạ tầng internet tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 4 khu vực châu Á và thứ 10 thế giới về chuyển đổi IPv6. Trong tương lai gần, Việt Nam hướng tới mục tiêu 100% người sử dụng IPv6 tới năm 2023 và giai đoạn 2023-2025 đạt mục tiêu 100% mạng lưới, dịch vụ của cơ quan nhà nước chuyển đổi sang IPv6 và sẵn sàng hoạt động thuần IPv6 (only IPv6).
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đánh giá: Internet Việt Nam đã trải qua một hành trình hơn 20 năm với nhiều thành công, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung của đất nước. Hành trình chuyển đổi Internet Việt Nam sang thế hệ mới hoạt động với địa chỉ IPv6 cũng đã được bắt đầu từ những quyết định mạnh dạn, đúng đắn, kiên trì và hiệu quả. Trong kỷ nguyên công nghệ chuyển đổi số và internet kết nối vạn vật, internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với IPv6.