Đó là một Trục liên thông văn bản quốc gia - một trong những bước đi đầu tiên hướng tới nền tảng tích hợp, chia sẻ, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, giúp cho việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước; là Cổng Dịch vụ công quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tất cả đều hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn.
Đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ
Tháng 3/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia chính thức được khai trương. Đây là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và là nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng vào Văn phòng Chính phủ. Trục liên thông văn bản quốc gia là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng văn bản điện tử, tiến tới thay văn bản giấy; trong đó, lần đầu tiên vai trò của Trục này được định nghĩa chính thức, cùng với các nguyên tắc, yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử được quy định đầy đủ.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đây là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử. Không chỉ tiết kiệm chi phí hành chính, giảm thời gian xử lý văn bản và tiến tới loại bỏ tình trạng “ngâm hồ sơ”, việc kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản giữa cơ quan nhà nước các cấp còn giúp lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc trên hệ thống, từ đó có sự chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Người dân cũng được hưởng lợi khi giải quyết thủ tục hành chính do không phải đến cơ quan hành chính nhà nước, không cần gặp trực tiếp cán bộ, từ đó giảm thời gian và chi phí khác mà doanh nghiệp, người dân phải bỏ ra.
Đến nay đã có tới gần 1 triệu văn bản, gồm gần 300.000 văn bản gửi và 700.000 văn bản nhận trên Trục liên thông. Hiện một số doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đã triển khai thử nghiệm việc kết nối tới Trục liên thông văn bản quốc gia như: Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPT), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam... Theo tính toán sơ bộ, việc ứng dụng Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia, mỗi năm tiết kiệm được trên 1.200 tỷ đồng (tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, chi phí thời gian được tính toán theo Ngân hàng Thế giới…) sau khi trừ chi phí thuê dịch vụ của VNPT.
Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng triển khai Hệ thống E-cabinet từ ngày 24/6/2019, phục vụ 8 phiên họp Chính phủ thường kỳ và chuyên đề, thực hiện xử lý 143 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (tương đương với việc phát hành 3.861 văn bản giấy).
Tăng trách nhiệm giải trình và năng lực phản ứng chính sách
Cùng với Trục liên thông văn bản quốc gia, xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp. Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của Cổng dịch vụ công quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, địa phương xây dựng với mong muốn tạo dựng một địa chỉ cung cấp thông tin và hỗ trợ việc thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công liên tục, minh bạch, chính xác, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, chống tiêu cực, tiết kiệm chi phí và góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, cũng tạo một kênh đo lường, kiểm soát chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước thông qua những thông tin được lượng hóa cụ thể trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích, các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia trên cơ sở bám sát quy định tại Nghị định số 61/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn vì đây là công việc mới mẻ, với các giải pháp kỹ thuật công nghệ phức tạp, còn thiếu thể chế, các nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung, nhưng chúng ta cũng có những thuận lợi nhất định. Đó là, nhiều năm nay, chúng ta đã liên tục kiểm soát, cắt giảm, đơn giản hóa, minh bạch hóa thủ tục hành chính, và từng bước hoàn thiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Sau 9 tháng tích cực triển khai, việc thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia về cơ bản đã hoàn thành nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; nâng cấp hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; cung cấp nền tảng xác thực, đăng nhập một lần kết nối với các Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh và nền tảng thanh toán trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Các giải pháp chức năng, tính năng của Cổng dịch vụ công quốc gia đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá bảo đảm chất lượng, phù hợp với các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế. Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá mức độ an ninh, an toàn thông tin của Cổng dịch vụ công quốc gia và đã sẵn sàng các giải pháp bảo vệ, đối phó, ứng cứu bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các Bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát, lựa chọn 8 nhóm dịch vụ công có nhu cầu thực hiện rất lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân và doanh nghiệp để tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, người dân có thể thực hiện 5 dịch vụ là: đổi giấy phép lái xe; cấp giấy phép lái xe quốc tế; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; cấp điện mới từ lưới điện trung áp; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng, mất. Doanh nghiệp có thể thực hiện 6 dịch vụ là: thông báo hoạt động khuyến mại; đăng ký hoạt động khuyến mại; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; cấp điện mới từ lưới điện trung áp; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do hỏng, mất; nhóm cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (19 thủ tục hành chính).
4 địa phương tích hợp trong năm 2019 sẽ cung cấp thêm một số dịch vụ công, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh với dịch vụ đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; thành phố Hà Nội với dịch vụ đăng ký khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân; tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng là dịch vụ đăng ký khai sinh.
Các dịch vụ công này được tái cấu trúc, cải tiến quy trình và nâng cấp, tăng tính năng hỗ trợ bằng công nghệ thông tin để người dân, doanh nghiệp thực hiện thuận tiện hơn so với việc thực hiện dịch vụ công tại thời điểm hiện tại. Ngay sau khi khai trương (ngày 9/12), Cổng dịch vụ công quốc gia đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của người dân, doanh nghiệp. Bằng chứng là chỉ sau 4 ngày khai trương, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có 2,3 triệu người truy cập. Đến trưa ngày 12/12, đã có 1.358 hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trên Cổng này, trong đó, có 581 hồ sơ đề nghị cấp mới điện hạ áp và trung áp, 693 hồ sơ đổi giấy phép lái xe và cấp giấy phép lái xe quốc tế, 51 hồ sơ liên quan đến cấp lại giấy bảo hiểm y tế do bị hỏng, mất.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn), bằng một tài khoản duy nhất là có thể đăng nhập được đến tất cả các Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính. Đồng thời, có thể tái sử dụng các thông tin đã có và tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều cơ quan. Theo tính toán sơ bộ, đối với chi phí thực hiện 8 nhóm dịch vụ công đang cung cấp với tần suất giao dịch hiện nay, khi chuyển đổi phương thức từ thực hiện trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, Cổng dịch vụ công quốc gia với các nền tảng, dữ liệu dùng chung cũng sẽ giúp hạn chế việc đầu tư dàn trải tại các bộ, ngành, địa phương và giúp tăng cường quản lý nhà nước, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, tăng trách nhiệm giải trình và năng lực phản ứng chính sách, thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Đổi mới lề lối, tác phong làm việc của cơ quan hành chính nhà nước để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, năm 2018, theo xếp hạng của Liên hợp quốc, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam xếp thứ 88/193 quốc gia, tăng 1 bậc; xếp thứ 26/61 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 6/11 ở khu vực Đông Nam Á. Với những nỗ lực không ngừng trong năm 2019, thứ hạng và chất lượng phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam sẽ tiếp tục có những cải thiện rõ rệt.