Báo cáo của lực lượng chức năng cho thấy, trong 12 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, Cà Mau đã huy động cả hệ thống chính trị với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, đúng quy định, cơ bản kiềm chế tình hình dịch bệnh, đến nay, không phát sinh số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế thông tin, hiện Cà Mau không có ca bệnh lây nhiễm từ cộng đồng, tuy nhiên đã phát hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 là người địa phương di chuyển từ vùng có dịch về khiến nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ở mức rất cao. Bên cạnh đó, tình hình lưu thông hàng hóa từ các địa phương có dịch đến Cà Mau vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là các lái xe, phụ xe…
Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm, hiện, Cà Mau có ba xã, một huyện được xếp loại nguy cơ nhưng do nằm giáp ranh với các địa phương có tình hình dịch phức tạp, xếp loại nguy cơ rất cao. Ngoài ra, số người dân địa phương từ vùng dịch rất lớn, rất khó kiểm soát chặt chẽ.
Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương cho biết, các đối tượng có nguy cơ cao nhất là lực lượng tài xế đường dài, người đi làm ăn xa tự ý về địa phương; kiểm soát tại các vùng biên với tỉnh bạn, nhất là trên tuyến đường thủy. Hiện, đã có tình trạng các lái xe tải lén lút chở người vào địa bàn tỉnh Cà Mau nhưng không khai báo y tế đúng, đủ, gian dối gây nguy cơ lớn trong cộng đồng. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt đề nghị phải có khu cách ly tạm thời đối lái xe và những người đi cùng tại những vị trí tập kết, giao hàng được quy định.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, phải có cơ chế phối hợp giữa các chốt kiểm soát dịch, các đơn vị, địa phương để kịp thời xử lý nghiêm các lái xe, doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch.
“Các sở, ban, ngành, các địa phương phải thực hiện nghiêm các văn bản, quy định trong phòng, chống dịch COVID-19; đối với lái xe vận chuyển hàng hóa nhập tỉnh phải có tờ khai; số người khi ra phải đúng, đủ với số người khi vào địa bàn tỉnh; nghiêm cấm những người ngoài địa bàn đi bán hàng hóa dạo xâm nhập địa bàn; trong quản lý chặt chẽ, nhưng phải linh hoạt xử lý từng trường hợp; bố trí chốt, trạm kiểm soát các tuyến giáp với địa phương tỉnh bạn; các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ở địa phương phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh; ngành y tế sắp xếp cho các doanh nghiệp lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong công nhân lao động; ngành công an, quân sự phải đảm bảo an ninh, trật tự, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nêu rõ.
Qua phân tích, đánh giá từ lực lượng chức năng, tỉnh Cà Mau hiện vẫn còn nằm trong nhóm nguy cơ cao. Tuy nhiên, công tác truy vết, sàng lọc, xét nghiệm đối tượng có nguy cơ cao vẫn còn hạn chế. Trong 5 ngày tới, Cà Mau sẽ xét nghiệm 7.000 mẫu, tuy nhiên, hiện tỉnh chỉ có 2 máy xét nghiệm PCR, với công suất tối đa 1.200 mẫu/ngày.
Thông tin về chủ trương của tỉnh đối với người dân địa phương từ nơi khác muốn trở về, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, tỉnh đã có phương án đón người dân đang bị kẹt lại tại các tỉnh đang bùng phát dịch lớn nhưng trên nguyên tắc phải đúng đối tượng, đảm bảo an toàn, trật tự.
Thông tin thêm về việc chuẩn bị thành lập 4 bệnh viện dã chiến tại Cà Mau, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải cho biết, việc chuẩn bị thành lập các bệnh viện dã chiến phụ thuộc vào công tác xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân; trong đó công tác bố trí nguồn nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế đều phải chuẩn bị trước một bước...
Chủ tịch UBND tỉnh và các ngành liên quan căn cứ vào nguy cơ và tốc độ lây nhiễm của các tỉnh vùng dịch để lượng hóa được ca lây nhiễm; căn cứ tình trạng bệnh để sắp xếp chỗ ở, việc điều trị của từng tầng; các loại trang thiết bị y tế cần trang bị, cơ số đi theo giường bệnh, số lượng thuốc từng loại... Cùng với đó, có tính toán cụ thể, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để lây nhiễm chéo; chuẩn bị phương án xây dựng quy mô điều trị ít nhất 500 ca cho đến 1.000 ca bệnh.