Trong 3 năm 2021 - 2023 thực hiện Đề án, cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây xanh đạt trên 121% so với kế hoạch; trong đó có 344,5 triệu cây xanh phân tán, còn lại là cây xanh tập trung. Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Đề án trong 3 năm qua là gần 9,5 nghìn tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 23,8%, nguồn vốn còn lại từ xã hội hoá và nguồn vốn khác.
Một số tỉnh thực hiện Đề án đạt kết quả cao như: Lào Cai trồng 61 triệu cây, Phú Thọ trồng 52 triệu cây, Long An trồng 45 triệu cây, Gia Lai trồng 37 triệu cây, Nghệ An trồng 34 triệu cây.
Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã tích cực hưởng ứng tham gia phong trào trồng cây xanh như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng đã hưởng ứng Đề án thông qua xây dựng chương trình, quỹ để kêu gọi tiếp nhận và triển khai trồng rừng, trồng cây như: Công ty TNHH Xã hội trồng và Phục hồi rừng Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA; Công ty TNHH kinh doanh Thương mại và Dịch vụ Vinfast, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các tổ chức, cá nhân khác.
Giai đoạn từ năm 2024 - 2025, Đề án tiếp tục trồng trên 492 triệu cây xanh; trong đó có trên 275 triệu cây và 98.210 ha rừng trồng tương đương với hơn 216 triệu cây. Tại Hội nghị các đại biểu tập trung thảo luận kết quả đạt được, khó khăn hạn chế và giải pháp thực hiện hiệu quả Đề án thời gian tới.
Theo Cục Lâm nghiệp, Đề án còn những khó khăn hạn chế như: Quỹ đất trồng rừng mới ngày càng thu hẹp, vốn đầu tư phân bổ cho phát triển rừng hàng năm còn chậm so với yêu cầu, mức hỗ trợ trồng cây phân tán và trồng rừng còn thấp so với thực tiễn; diện tích đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị hiện nay mới chiếm tỷ lệ khoảng 1,2%, thấp hơn nhiều so với các quy chuẩn về quy hoạch đô thị đặt ra.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, thực hiện Đề án tỉnh đưa ra nhiều giải pháp. Đó là nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; lựa chọn ưu tiên các loài cây trồng phù hợp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng và huy động nhiều nguồn lực để cả tỉnh trồng được trên 15 triệu cây xanh giai đoạn 2021 - 2025; trong đó trồng 10,7 triệu cây xanh phân tán ở các khu đô thị, vùng nông thôn, trồng 4,3 triệu cây xanh tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng trồng sản xuất nhằm góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị đề nghị các đơn vị, địa phương rà soát đánh giá kết quả đã thực hiện, nếu cây trồng bị chết thì trồng bổ sung; tiếp tục trồng cây theo kế hoạch đã được phê duyệt; truyền thông để mọi người hiểu, biết lợi ích và tham gia trồng cây; khi thực hiện trồng cây phải linh hoạt chủ động.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Cục Lâm nghiệp và các đơn vị khác, giải quyết ngay kiến nghị của các địa phương thuộc thẩm quyền, việc thuộc thẩm quyền cấp trên thì báo cáo ngay. Đề nghị các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tiếp tục hỗ trợ kinh phí, sáng kiến để thực hiện Đề án.
Dịp này Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khen thưởng 25 đơn vị và cá nhân; Cục trưởng Cục Lâm nghiệp khen thưởng 2 đơn vị và 11 cá nhân đã có thành tích xuất sắc thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2023.