Các tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh vẫn có thể xuất bến nhưng phải cập bến trước 18 giờ cùng ngày, không được nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Việc cấp phép rời bến cho tàu du lịch trên các vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long vào các ngày sau đó phụ thuộc vào nội dung cụ thể của các bản tin dự báo thời tiết đầu giờ hàng ngày của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ rạng sáng 16/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Vịnh Bắc bộ có gió mạnh. Đến 10 giờ cùng ngày gió bắt đầu mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, tàu thuyền hoạt động nghỉ đêm trên Vịnh có nguy cơ mất an toàn cao.
Trước ảnh hưởng có thể gây ra của bão số 4, Cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh tạm thời chỉ cấp phép tàu du lịch hoạt động theo giờ.
Trên Vịnh Hạ Long đang có 484 tàu du lịch hoạt động đưa đón khách tham quan, trong đó có 167 tàu nghỉ đêm. Cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh đề nghị chủ tàu, thuyền trưởng và các thuyền viên thường xuyên theo dõi diễn biến bão số 4, cập nhật các thông báo, điều hành và cảnh báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để di chuyển phương tiện đến nơi tránh trú an toàn.
* Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ cho biết, do ảnh hưởng của bão số 4, từ đêm 15/8 trên khu vực tỉnh Phú Thọ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão và các tình huống bất thường có thể xảy ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo các huyện, thành, thị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và tình hình mưa lũ trên địa bàn.
Đồng thời thông tin cảnh báo kịp thời đến các xã, phường, thị trấn và người dân để phòng, tránh nhất là các khu vực dễ bị xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập úng; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các vùng thấp trũng ven sông, khu vực thường bị ngập, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối và các khu vực khai thác khoáng sản đến nơi an toàn.
Các địa phương rà soát, kiểm tra và triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ chứa, các công trình đang thi công; phát hiện và xử lý ngay các sự cố để đảm bảo an toàn công trình. Đối với các hồ chứa có mực nước cao hơn đỉnh tràn và những hồ chứa không đảm bảo an toàn phải triển khai các biện pháp hạ cao trình mực nước hồ để đảm bảo an toàn cho các công trình và khu vực hạ du đập.
Đồng thời, các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ven sông, ngòi, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy sản. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát và hướng dẫn người, phương tiện qua lại tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, khu vực thường bị ngập và các bến đò, ngầm, tràn qua sông, suối, ngòi. Chủ động kiểm tra vận hành các cống dưới đê sông, đê ngòi, các trạm bơm tiêu để đảm bảo ngăn lũ và tiêu úng kịp thời bảo vệ sản xuất.
Các địa phương, ngành chức năng chủ động bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhu yếu phẩm theo phương châm "4 tại chỗ" tại các khu vực xung yếu, nhất là các khu vực dễ bị chia cắt để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu, kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông khi cần thiết. Tổ chức trực ban nghiêm túc, đảm bảo thông tin liên lạc, chủ động chỉ đạo xử lý tình huống và báo cáo kịp thời Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên khai thác công trình Thủy lợi Phú Thọ chủ động vận hành các cống dưới đê, các hồ chứa theo phương án đã được phê duyệt để đảm bảo an toàn; sẵn sàng phương án bơm tiêu đề phòng mưa lớn gây ngập úng.
Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn, tính từ đầu tháng 7 đến nay, mưa bão đã gây thiệt hại nặng cho tỉnh Phú Thọ, khiến 3 người chết, 1 người mất tích, 3 người bị thương, thiệt hại hoàn toàn 96 nhà ở, mất trắng 592,8 ha lúa, làm chết, cuốn trôi 6.026 con gia súc và 89.336 con gia cầm... Bên cạnh đó, mực nước Sông Đà dâng cao do hồ thủy điện Hòa Bình xả đáy cũng gây thiệt hại đến các hộ nuôi cá lồng huyện Thanh Thủy. Thống kê sơ bộ có 149 lồng cá bị thiệt hại, giá trị thiệt hại ước tính 4,8 tỷ đồng.
* Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, bão số 4 có thể có diễn biến phức tạp, mưa vừa, mưa to đến rất to sẽ ảnh hưởng tại khu vực tỉnh Thái Nguyên từ đêm 15/8 đến ngày 18/8, đặc biệt mưa có thể khiến cho mực nước tại hồ Núi Cốc dâng cao.
Để đảm bảo an toàn cho các công trình, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân vùng thượng lưu và phía hạ du của hồ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân cần chủ động trong sản xuất, sinh hoạt, không thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, gieo cấy trong lòng hồ và vùng bán ngập từ cao trình (+46,2 đến +48,25) m.
Tại vùng hạ du, khi mực nước hồ dâng cao, Công ty sẽ phải thực hiện điều tiết mực nước hồ qua tràn xả lũ theo quy trình với lưu lượng có thể từ (100 - 600)m3/s hoặc lớn hơn, mực nước trên Sông Công có thể dâng cao bất thường.
Công ty đề nghị các tổ chức, cá nhân ở phía hạ du hồ Núi Cốc và hai bên bờ Sông Công có biện pháp phòng, tránh, không sản xuất, kinh doanh, gieo cấy trong phạm vi hành lang thoát lũ hai bên bờ Sông Công. Đồng thời, nghiêm cấm người không có nhiệm vụ đi lại trên mái đập, các thuyền, bè không được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động không được đi lại trong lòng hồ.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão tại tỉnh Thái Nguyên đang ở cấp 3, nguy cơ trên hệ thống sông Cầu, sông Công sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5 - 3,0 mét trong các ngày từ 15 - 18/8. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, đặc biệt tại các vùng đồi núi và ven sông suối, ngập úng các vùng trũng thấp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất tại tỉnh Thái Nguyên là cấp 1.