Hậu Giang: Tập trung vào 4 trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch
Chiều 9/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang bế mạc Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Phát biểu tại Kỳ họp, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và đóng góp quan trọng của các cấp ủy, HĐND, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, lực lượng tuyến đầu chống dịch và sự vào cuộc, ủng hộ to lớn của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, tỉnh đang đạt được mục tiêu phòng, chống dịch; là tỉnh có số ca nhiễm, số ca chuyển nặng và số ca tử vong thấp nhất trong các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; kinh tế - xã hội đạt được những kết quả quan trọng với 14/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, HĐND tỉnh tăng cường bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2026 đã được nêu trong nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các chương trình hành động, trên cơ sở đó cụ thể hóa thành các nghị quyết của HĐND bảo đảm sát với tình hình thực tế, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai, tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường, quản lý tài chính, ngân sách; cơ cấu lại và tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Về phát triển kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, phải huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, tập trung vào 4 trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Tỉnh thực hiện đúng chủ trương, nguyên tắc, thứ tự ưu tiên chi đầu tư phát triển, phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những dự án có tính lan tỏa cao; phục hồi và phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng và kinh tế hợp tác xã; tiếp tục cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục coi trọng công tác an dân, quan tâm làm tốt việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công; kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm; triển khai đồng bộ giải pháp giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; kiểm soát, không để dịch tái phát, lan rộng, đầu tư cơ sở vật chất, bố trí đủ nhân lực tăng cường tuyến y tế cơ sở; tập trung chuẩn bị các điều kiện, phương án chặt chẽ tổ chức triển khai dạy và học trực tiếp có lộ trình bắt đầu từ giữa tháng 12/2021.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang cho biết, sau gần 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tích cực, trách nhiệm, HĐND tỉnh đã xem xét, đánh giá toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022; quyết định một số nội dung quan trọng nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, tạo sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, phù hợp tình hình địa phương.
Tại phiên thảo luận tổ và chất vấn tại hội trường, 60 ý kiến trao đổi, góp ý của các đại biểu vào nội dung của kỳ họp, chất vấn đối với lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế. Đồng thời, 12 cử tri gọi đến đường dây nóng của kỳ họp phản ánh ý kiến liên quan đến giao thông, y tế, quản lý đất đai, môi trường.
Tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 25 nghị quyết trên các lĩnh vực. Trong đó, các nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế như: Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương (lần 1); Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công năm 2022; Nghị quyết Quy định nội dung, mức chi hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030.
Bên cạnh đó, có các nghị quyết liên quan đến lĩnh vực văn hóa, xã hội, gồm: Nghị quyết về phát triển thanh niên tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp; trợ cấp đối với trẻ em đang học ở cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Để thực hiện tốt các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua trong tình hình diễn biến, tác động khó lường của đại dịch COVID-19, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, Thường trực HĐND, các Ban và đại biểu HĐND thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo luật định; thể hiện tốt nhất vai trò của người đại biểu dân cử; gần gũi, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, phản ánh đầy đủ đến các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; giám sát việc thực hiện các nghị quyết; mạnh dạn thay đổi phương pháp giám sát, kiểm tra, tiếp công dân, tiếp xúc cử tri và gương mẫu trước nhân dân.
Long An: Đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt từ 6,5 - 7%
Chiều 9/12, Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Long An khóa X đã bế mạc sau hai ngày làm việc dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm cao. Kỳ họp đã hoàn thành các nội dung đề ra.
Tại kỳ họp lần này, các đại biểu HĐND tỉnh Long An đã phân tích, thảo luận toàn diện về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2022. Theo đó, tình hình dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là trong quý III. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân, tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế. Địa phương nhanh chóng mở cửa, phục hồi kinh tế, đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn trong trạng thái “bình thường mới”, lấy lại đà tăng trưởng.
Đến cuối tháng 11/2021, gần 100% doanh nghiệp trên địa bàn đã hoạt động trở lại. Từ đó, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 ước đạt 1,02% (đứng thứ 4/13 tỉnh, thành của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 4/8 tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam); tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 18.000 tỉ đồng (đạt 118,7% dự toán Trung ương và 115,5% dự toán HĐND tỉnh giao); thu nhập bình quân đầu người ước đạt 80,08 triệu đồng/năm…
Từ những kết quả đó, HĐND tỉnh Long An đã đề ra 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2022. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 6,5 - 7%; tỷ lệ tăng thu ngân sách nhà nước 12%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 85 - 90 triệu đồng/năm; trên 71,4% tỷ lệ xã đạt tiêu chí văn hóa, nông thôn mới; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia (theo tiêu chí mới) là 53,5%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%…
Theo ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An, HĐND tỉnh đã xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp, định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó, UBND tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh, tạo nền tảng thúc đẩy sản suất kinh doanh; tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững.
Tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú trọng phát triển kinh tế số, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khẩn trương triển khai các công trình trọng điểm, chương trình đột phá để tạo động lực tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị toàn thể cán bộ, công chức trong cả hệ thống chính trị tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện tốt vai trò nêu gương, đổi mới tư duy, làm việc với tinh thần “xem người dân là đối tượng phục vụ, xem doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển".
Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Long An đã thông qua 46 nghị quyết quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2022; cho chủ trương đầu tư nhiều công trình, dự án giao thông trọng điểm; thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích và cập nhật quy hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch; quyết định một số vấn đề liên quan lĩnh vực phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, giáo dục, an sinh xã hội…
Tây Ninh: Tháo gỡ bất cập, khơi thông triệt để điểm nghẽn về quy hoạch, đất đai và đầu tư
Chiều 9/12, kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã bế mạc và thông qua 27 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và định hướng đến 2030.
Các Nghị quyết nổi bật thông qua tại kỳ họp này gồm: Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn vốn ngân sách địa phương; Nghị quyết Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025; Nghị quyết về ban hành Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030…
Tại phiên bế mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, song tỉnh vẫn đảm bảo thu ngân sách đạt 113% dự toán Chính phủ giao và đạt tiệm cận với chỉ tiêu dự toán đề ra. Trong đó, tỉnh cân đối được ngân sách chi phục vụ cho phòng, chống dịch COVID-19.
Tây Ninh vẫn duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đạt 5 tỷ USD, tăng 12,2% (đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay). An sinh xã hội của tỉnh được bảo đảm, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, giảm nghèo được đẩy mạnh, không để xảy ra tình trạng hộ thiếu đói do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tỉnh triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch theo quy định, với trên 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. 9/18 chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt Nghị quyết. Tái cơ cấu kinh tế nói chung, nhất là tái cơ cấu trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm, chưa toàn diện...
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 buộc tỉnh phải bảo đảm khống chế được sự gia tăng dịch COVID-19, duy trì trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt, an toàn để đẩy nhanh tốc độ khôi phục sản xuất kinh doanh. Vì vậy, mục tiêu phòng, chống, khống chế dịch bệnh vẫn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Năm 2022, Tây Ninh sẽ tập trung, củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là trong những lĩnh vực còn nhiều hạn chế, yếu kém; tiếp tục khắc phục, tháo gỡ những bất cập, khơi thông triệt để điểm nghẽn về quy hoạch, đất đai và đầu tư, tạo ra động lực, nguồn lực thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả, cân đối ngân sách trong điều kiện khó khăn. Theo đó, tỉnh sẽ rà soát, cơ cấu, để bố trí và sử dụng các nguồn kinh phí hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm chi thường xuyên, tiết giảm mua sắm, sửa chữa, đầu tư công chưa cấp thiết; khai thác tối đa các nguồn thu, nhất là nguồn thu từ đất đai, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tây Ninh phấn đấu thu đạt và vượt dự toán ngân sách năm 2022.
Phát biểu kết luận tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm cho biết, tất cả các nghị quyết thông qua lần này đã được đại biểu HĐND tỉnh xem xét, thảo luận dân chủ trước khi biểu quyết thông qua, với sự thống nhất cao.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh đề nghị sau kỳ họp, UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan tập trung chỉ đạo, nhanh chóng cụ thể hóa các nghị quyết của HĐND tỉnh, đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ và hiệu quả, sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.
Theo đó, Thường trực, các Ban, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội tăng cường giám sát việc thực hiện nghị quyết; tích cực theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri, giám sát việc thực hiện lời hứa của UBND tỉnh Tây Ninh và lãnh đạo các ngành tại kỳ họp này.
Đồng Tháp: Thông qua 23 nghị quyết quan trọng phát triển kinh tế - xã hội
Trong hai ngày 8 - 9/12, HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa X tổ chức Kỳ họp thứ 3, đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và thông qua 23 nghị quyết quan trọng thuộc các lĩnh vực kinh tế - ngân sách, pháp chế và văn hóa - xã hội.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2021, Đồng Tháp thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội", đạt được nhiều kết quả quan trọng, bảo vệ và giảm thiểu thấp nhất tác động của dịch COVID-19 đến sức khỏe và tính mạng người dân, đảm bảo an sinh xã hội, nhanh chóng tái mở cửa kinh tế ngay khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Ước tính, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 2,22%. Quy mô kinh tế tiếp tục gia tăng, ước đạt 90.4 tỷ đồng, tăng 3.847 tỷ đồng so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người ước đạt 56,45 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,36% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020).
Kết quả thực hiện năm 2021 đạt và vượt 15/22 chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, trong đó, có 100% chỉ tiêu môi trường đạt kế hoạch, 07 chỉ tiêu ước không đạt kế hoạch là tăng trưởng kinh tế; GRDP bình quân đầu người; thu ngân sách trên địa bàn; huy động vốn đầu tư phát triển so với GRDP; giá trị xuất khẩu hàng hóa (không tính hàng hóa tạm nhập tái xuất), tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp so với lực lượng lao động trong độ tuổi.
Mục tiêu năm 2022, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội", kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19, giữ vững địa bàn an toàn để người dân, doanh nghiệp an tâm sinh sống và sản xuất, kinh doanh. Đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế phục hồi và phát triển. Thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.
Tỉnh phát huy tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực nội tại cho đầu tư phát triển trên nền tảng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu công nghiệp, chuyển đổi số, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thúc đẩy chuyển dịch lao động, bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là khu vực biên giới. UBND tỉnh thống nhất xây dựng Kế hoạch năm 2022 với mức tăng trưởng GRDP là 7,0%.
Tại kỳ họp, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu, đầy tâm huyết của cử tri, các đại biểu đối với UBND tỉnh, cũng như đối với sự phát triển của quê hương Đất Sen hồng. Với quan điểm đúng đắn, cùng sự vào cuộc quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là sự đồng hành của doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhân dân, Đồng Tháp đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, điều đáng mừng là, mặc dù trong thời điểm giãn cách xã hội, lợi thế về nông nghiệp vẫn đóng vai trò trụ đỡ, là thế mạnh kinh tế của tỉnh, và giá trị sản xuất nông nghiệp duy trì mức cao so với cùng kỳ (tăng 3,04%). Đây chính là lợi thế, là kết quả trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh những năm qua. Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, UBND tỉnh đề xuất phương án tăng trưởng kinh tế là 7,0%. Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra 22 chỉ tiêu và 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội.
Kỳ họp lần thứ 3, HĐND tỉnh Đồng Tháp thông qua 23 nghị quyết quan trọng thuộc các lĩnh vực kinh tế - ngân sách, pháp chế và văn hóa - xã hội. Tại kỳ họp, các đại biểu quan tâm cho ý kiến vào các Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quy định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Nghị quyết về việc không thu học phí học kỳ I năm học 2021 - 2022 đối với trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, được cử tri và bà con nhân dân rất đồng tình, ủng hộ.
Ông Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND, điều hành của UBND tỉnh và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là tinh thần đoàn kết toàn dân, sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân đã góp phần tạo nên những kết quả khả quan trong bối cảnh vừa chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đưa tốc độ tăng trưởng năm 2021 tăng 2,22%.
Ông Phan Văn Thắng đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết đã thông qua; tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp nghiêm túc xem xét, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất chính đáng của cử tri, đặc biệt là những vấn đề cử tri đã kiến nghị qua nhiều kỳ họp nhưng kết quả giải quyết chưa thực sự hiệu quả.