Chiều 11/10, ngay sau khi khai mạc phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội...
Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh cho biết, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.306 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Về tâm tư, nguyện vọng, cử tri và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, hoạt động giám sát của Quốc hội, đánh giá cao việc Chính phủ đã có nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mức tăng trưởng khá; kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển doanh nghiệp. Đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút khách quốc tế, đầu tư nước ngoài...
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng công tác quản lý, điều chỉnh, triển khai quy hoạch đô thị ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở một số thành phố lớn chưa thực sự hợp lý. Việc lập quy hoạch các khu đô thị, các dự án lớn thiếu khoa học, tình trạng các chung cư cao tầng tại các khu trung tâm với mật độ dân cư lớn trong khi hạ tầng chưa đồng bộ.
Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài và úng ngập nghiêm trọng, nhất là khi có mưa lớn hoặc triều cường, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Cử tri và nhân dân, nhất là tại thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc công khai và thực hiện nghiêm các quy hoạch đã được phê duyệt. Rà soát, điều chỉnh các dự án lớn tại trung tâm các đô thị trước khi triển khai phải tổ chức lấy ý kiến người dân, làm tốt đánh giá tác động để bảo đảm tính khả thi và hợp lý.
Đặc biệt quan tâm đến sự phù hợp giữa phân bổ dân cư và kết cấu hạ tầng cơ sở; đề cao và gắn trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lập và triển khai quy hoạch đô thị, xử lý nghiêm các vi phạm.
Cử tri và nhân dân đánh giá cao chủ trương của Nhà nước về việc triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân tại một số địa phương bức xúc và phản ánh về việc phê duyệt, đầu tư, quản lý và vận hành các trạm BOT giao thông còn nhiều bất cập.
Nhiều người dân thể hiện thái độ không đồng tình trước việc đặt các trạm thu phí quá dày, không phù hợp, mức phí quá cao, không hợp lý. Việc chỉ định thầu còn sai phạm, thiếu công khai, minh bạch. Hệ thống hành lang pháp lý chưa rõ ràng, công tác quản lý Nhà nước về dự án BOT còn bộc lộ nhiều hạn chế, gây lãng phí và thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.
Nhiều dự án không thực hiện đúng yêu cầu, một số dự án BOT chỉ nâng cấp đường cũ, cải tạo mặt, nền đường, để rồi lập trạm thu phí, điển hình như: cầu Bến Thủy (Nghệ An), sông Rác (Hà Tĩnh), Tam Nông (Phú Thọ), Cai Lậy (Tiền Giang) và Bờ Đậu (Thái Nguyên), Vĩnh Yên- Nội Bài; Pháp Vân, Cầu Giẽ; Liêm Tuyền – Nam Định, Yên Việt –Bắc Giang.
Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và chính quyền các địa phương khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động của các dự án BOT giao thông; bảo đảm công khai, minh bạch trong đầu tư, hoạt động...
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng đề nghị “Nghiên cứu xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát của Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các dự án BOT giao thông”, bà Bù Thị Thanh cho biết.