Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva (Thụy Sĩ) Dương Chí Dũng. Ảnh: Hoàng Hoa - Phóng viên TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ) |
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 20/2 (giờ địa phương) tại trụ sở của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã triệu tập cuộc họp dưới sự chủ trì của Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam, quy tụ đại diện của các Phái đoàn ngoại giao 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại WTO để phổ biến các ưu tiên của Năm APEC Việt Nam 2017, đồng thời thảo luận các chương trình hoạt động tại Việt Nam cũng như tại Geneva.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Đại sứ Dương Chí Dũng khẳng định sau 3 thập kỷ Đổi mới, Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để có những đóng góp tích cực và có ý nghĩa hơn cho các nỗ lực của APEC trong việc mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân trong khu vực.
Việt Nam đã và đang tích cực thúc đẩy các mối quan hệ liên kết kinh tế thông qua việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC. Điều này minh chứng cho các cam kết mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh rằng việc đăng cai APEC 2017 là một trong các ưu tiên của đối ngoại của Việt Nam, với mong muốn thúc đẩy hơn nữa tiến trình tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tăng cường hợp tác trong khu vực, góp phần đưa Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng phát triển, thịnh vượng.
Nói về chủ đề bao trùm của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Đại sứ Dương Chí Dũng chia sẻ: Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại trên thế giới và khu vực có dấu hiệu chững lại, APEC cần có “động lực mới” nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế, cũng như tái khẳng định vai trò của Diễn đàn trong việc định hình “một tương lai chung” vì hòa bình, ổn định, hội nhập và thịnh vượng.
Dựa trên chủ đề bao trùm này, Việt Nam cũng đã xác định bốn ưu tiên của Năm APEC 2017 bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong Năm APEC 2017, Việt Nam sẽ chủ trì hơn 200 cuộc họp tại nhiều vùng miền của đất nước, trong đó có 8 cuộc họp cấp bộ ngành, các cuộc đối thoại cấp cao và 4 cuộc họp các quan chức cấp cao. Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 sẽ được tổ chức từ ngày 5 đến 11/11 tại thành phố Đà Nẵng.
Thảo luận về các chương trình hoạt động của Năm APEC 2017, đại diện các Phái đoàn thường trực của 21 nền kinh tế thành viên APEC tại WTO đã đánh giá cao vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam, cũng như hoàn toàn ủng hộ các ưu tiên của Năm APEC Việt Nam, và cam kết cùng Việt Nam đóng góp thiết thực vào thành công chung của năm APEC 2017.
Đại đa số các thành viên phát biểu khẳng định trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi và trào lưu phản toàn cầu hóa đang gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, APEC cần đóng vai trò tích cực và có thông điệp mạnh mẽ ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và tự do thương mại. Các nước cũng bày tỏ sẵn sàng phối hợp với Phái đoàn Việt Nam tại Geneva để xây dựng các sáng kiến đóng góp vào kết quả của APEC 2017 theo hướng này.
Các thành viên cũng bày tỏ hy vọng Năm APEC 2017 thành công sẽ đóng góp lớn cho sự thành công của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11, sự kiện quan trọng của Tổ chức Thương mại Thế giới, sẽ diễn ra vào tháng 12/2017 tại Argentina.