Về triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025, các bộ trưởng hoan nghênh những tiến triển trên cả 3 trụ cột, trong đó có việc xác định và cụ thể hóa các ưu tiên theo từng giai đoạn, thiết lập các cơ chế giám sát nâng cao hiệu quả và tiến độ thực thi. Về Kế hoạch tổng thể Chính trị-An ninh ASEAN 2025, nhiều tiến triển tích cực đã đạt được, với 140 trong tổng số 290 dòng hành động đang được triển khai, đạt tỷ lệ gần 50%, trong đó có nhiều dòng hành động thực chất như khởi động xây dựng quy trình chuẩn về hỗ trợ lãnh sự dành cho công dân ASEAN ở nước thứ 3, thành lập Trung tâm Quân y ASEAN, tổ chức các cuộc diễn tập về cứu trợ thiên tai, an ninh biển, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+).
Về kinh tế, Hội nghị hoan nghênh các kế hoạch hành động mới giai đoạn 2016-2025 đã được xây dựng ở hầu hết các kênh chuyên ngành như đầu tư, thuận lợi hóa thương mại, giao thông vận tải, doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch, khoa học công nghệ, nông-lâm nghiệp...
Về văn hóa-xã hội, các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của trụ cột này trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và xây dựng bản sắc ASEAN; đánh giá cao những kết quả tích cực, trong đó có thông qua và triển khai các Chiến lược Hành động giai đoạn mới về lao động, giáo dục, môi trường, y tế, quản lý thiên tai; xây dựng Hướng dẫn của ASEAN về Trách nhiệm Xã hội Công ty đối với lao động, vận hành Viện Kinh tế Xanh ASEAN...
Các nước cam kết tiếp tục quyết tâm và nỗ lực triển khai đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn 2025 và các kế hoạch tổng thể hướng tới Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ, dựa trên luật lệ và lấy người dân làm trung tâm. Các bộ trưởng đánh giá cao việc gắn kết triển khai Tầm nhìn 2025 với Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, coi đây là ưu tiên quan trọng, nhất trí sẽ xem xét xác định các lĩnh vực ưu tiên và xây dựng lộ trình để thúc đẩy các thành tố tương đồng trong hai văn kiện chiến lược này. Các bộ trưởng cũng nhất trí tổ chức phiên họp đặc biệt về Phát triển bền vững trong dịp họp Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở New York (Mỹ) vào tháng 9 tới.
Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thu hẹp khoảng cách phát triển và kết nối đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng trong việc thúc đẩy phát triển đồng đều và bao trùm, hỗ trợ các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) hội nhập hiệu quả hơn; theo đó, cam kết sẽ triển khai hiệu quả Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch Công tác Sáng kiến Liên kết ASEAN giai đoạn 3 sau khi các văn kiện này được Cấp cao ASEAN thông qua vào tháng 9 tới.
Các bộ trưởng cũng nhất trí tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức ASEAN, nhất là trong việc phân định rõ ràng chức năng, vai trò giữa các cơ quan, tăng cường điều phối trên các vấn đề liên ngành; theo đó, giao các Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN và Ủy ban các Đại diện Thường trực ASEAN (CPR) nghiên cứu khả năng cập nhật Hiến chương ASEAN nhằm bảo đảm ASEAN đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của giai đoạn mới.
Bàn về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các bộ trưởng hoan nghênh các tiến triển trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, ghi nhận đã có 86 đối tác cử đại sứ tại ASEAN và 50 Ủy ban ASEAN tại nước thứ 3, nhất trí ASEAN cần tiếp tục chính sách đối ngoại rộng mở, tăng cường hợp tác với các đối tác, cùng đóng góp xây dựng cho hợp tác chung ở khu vực, xử lý các thách thức đặt ra cũng như hỗ trợ ASEAN triển khai Tầm nhìn 2025, kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển. Các bộ trưởng nhất trí trao Quy chế Đối tác theo lĩnh vực cho Thụy Sĩ và Đối tác Phát triển cho Đức. Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm quan hệ giữa ASEAN với các đối tác phải trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi; duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng cấu trúc khu vực phù hợp với đặc thù và lợi ích khu vực, trên cơ sở các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+.
Thảo luận về tình hình khu vực và quốc tế, các bộ trưởng trao đổi về nhiều vấn đề cùng quan tâm như bán đảo Triều Tiên, Trung Đông, Biển Đông, các thách thức đang nổi lên như khủng bố, buôn bán người, di cư, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, biến đổi khí hậu, thiên tai. Trước những ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của các thách thức an ninh đối với hòa bình, ổn định khu vực, các nước cam kết đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực trong quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Hiệp ước Đông Nam Á không có Vũ khí Hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)… Nhân dịp này, các bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố kỷ niệm 40 năm TAC, tiếp tục đề cao giá trị, tầm quan trọng cũng như các mục tiêu và nguyên tắc của Hiệp ước và chấp thuận đề nghị tham gia TAC của Chile, Iran, Maroc và Ai Cập.
Về vấn đề Biển Đông, các bộ trưởng dành nhiều thời gian trao đổi, khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông gắn liền với hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực; tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp gần đây trên Biển Đông, trong đó có việc bồi đắp và quân sự hóa, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Nhiều bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, ASEAN cần phát huy đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, kêu gọi kiềm chế và tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp; Biển Đông cũng chính là phép thử đối với sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Một số vấn đề liên quan đến Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 cũng được trao đổi. Các bộ trưởng cũng khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; tầm quan trọng của việc đề cao luật pháp quốc tế, các tiến trình pháp lý và ngoại giao đã được nhấn mạnh, kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; không quân sự hóa, không có các hành động làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng, và đạt tiến triển thực chất trong việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Ngày 25/7, theo chương trình, sẽ diễn ra 10 hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 với các bên Đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nga, Liên minh châu Âu và Canada).