Tham dự hội nghị có Lãnh đạo cấp Bộ của 4 nước tiểu vùng sông Mê Công gồm: Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm Khí tượng ASEAN, Trung tâm Môi trường toàn cầu và một số tổ chức có liên quan. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn làm Trưởng đoàn.
Theo Ban Tổ chức, khói mù, ô nhiễm không khí là tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, kinh tế và xã hội ở nhiều nước trong khu vực ASEAN. Do tính không biên giới của các tác động môi trường, việc giải quyết vấn đề này là nhiệm vụ chung của khu vực.
Hội nghị thường niên lần này nằm trong khuôn khổ cơ chế hợp tác khu vực nhằm thảo luận về chiến lược và phương hướng thực hiện có hiệu quả Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, tăng cường hợp tác giữa các thành viên ASEAN.
Hội nghị là cơ hội để các nước chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, xem xét và thông qua báo cáo do Hội nghị lần thứ 13 Tiểu nhóm kỹ thuật các nước tiểu vùng sông Mê Công thực hiện Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới đệ trình, thảo luận những giải pháp, đưa ra những quyết định quan trọng có liên quan đến các vấn đề về quản lý cháy rừng, cháy vật liệu trong đất cũng như các vấn đề quản lý và kiểm soát ô nhiễm khói bụi của các nước tiểu vùng sông Mê Công nói riêng, cộng đồng ASEAN nói chung để hướng tới một ASEAN không khói mù.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Hà Công Tuấn khẳng định: Việt Nam cam kết dành mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện tốt những hoạt động về quản lý rừng bền vững, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, trong đó công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được quan tâm hàng đầu. Đồng thời, Việt Nam kêu gọi sự hợp tác toàn diện của các nước tiểu vùng sông Mê Công, sự chung tay của các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế để cùng nhau hành động vì một cộng đồng ASEAN luôn có môi trường trong sạch, phát triển bền vững.
Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới là một thỏa thuận đạt được rất quan trọng xuất phát từ truyền thống “đoàn kết, hợp tác” của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nói chung và các nước tiểu vùng sông Mê Công nói riêng nhằm cùng nhau ngăn ngừa, kiểm soát các nguồn cháy, giảm thiểu các tác động tiêu cực về tài sản, tài nguyên và ô nhiễm khói mù của đất nước mình, giảm thiểu các tác động tiêu cực bởi khói mù sang các nước láng giềng.
Hiệp định ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới được ký năm 2012 với sự tham gia của 5 quốc gia thành viên (Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar), đến nay đã đạt được những bước tiến dài thông qua việc thừa nhận rộng rãi và thực thi trong các quốc gia thành viên.