Sau 15 ngày thực hiện cách ly toàn xã hội, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, các cấp, ngành của thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc, người dân cơ bản đã hợp tác, có ý thức chấp hành nghiêm các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ và thành phố.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, tình trạng tập trung đông người đi lại không cần thiết đã xuất hiện ở một số khu vực cộng đồng dân cư, nhất là hai ngày cuối của thời hạn cách ly xã hội, người dân đổ ra đường khiến nhiều người lo ngại tình trạng này sẽ phá vỡ những thành quả đã đạt được trước đó.
Biện pháp cách ly xã hội trong tuần đầu áp dụng đã tạo ra sự khác biệt chưa từng thấy ở Thủ đô. Người dân ở trong nhà; tất cả cửa hàng không thiết yếu đóng cửa, vận tải công cộng dừng hoạt động, người dân ý thức cự ly tiếp xúc giữa người với người là 2 m... Tất cả các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh tạm dừng hoạt động. Tất cả các trường học tạm đóng cửa, học sinh học trực tuyến ở nhà. Các cơ quan, công sở, văn phòng áp dụng hình thức họp trực tuyến, hạn chế đến cơ quan; chợ dân sinh cũng vắng vẻ… Tất cả đã tạo cho Hà Nội một khoảng lặng cần thiết, khác hẳn những ngày trước đó, như chưa hề xảy ra tắc đường, tai nạn, trộm cắp, cướp giật. Môi trường không khí được cải thiện.
Việc người dân ở nhà cũng tạo ra nhiều mặt tích cực để mỗi người tạm gác công việc chăm sóc bản thân và gia đình hơn, khám phá thêm những khía cạnh khác của cuộc sống như: nấu ăn, làm bánh, làm vườn, tập thể dục, thể thao hay dành thời gian gọi điện cho bạn bè và gia đình...
Chị thị 16 ra đời rất kịp thời và đúng lúc khi Hà Nội đang phải gồng mình xử lý hai ổ dịch COVID-19 nguy hiểm tại Bệnh viện Bạch Mai và thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) có yếu tố dịch tễ liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố và đối mặt với nhiều ca phức tạp khi một số bệnh nhân đi lại, tiếp xúc với rất nhiều nơi, trực tiếp liên quan đến các cơ sở khám, chữa bệnh của cả Trung ương và Hà Nội. Nếu không thực hiện cách ly xã hội, việc truy dấu "F0" (người mắc COVID-19) gặp nhiều khó khăn.
15 ngày giãn cách xã hội cũng là thời gian giúp Hà Nội tăng tốc trong việc điều tra xác minh những “F” liên quan đến các ca "F0", mở rộng xét nghiệm truy vết "F0", khoanh vùng, dập dịch. Trong thời gian này, Hà Nội đã tập trung điều tra, xác minh, xử lý những ca bệnh, ổ dịch phức tạp trên địa bàn, trước mắt giải quyết dứt điểm tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh và các trường hợp liên quan đến ca bệnh số 237.
Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã rà soát kỹ, triệt để những người có tiếp xúc, liên quan đến các ca bệnh, ổ dịch trên để kịp thời cách ly theo quy định. Thông tin rộng rãi về lịch trình đi lại, tiếp xúc của các ca bệnh để người dân chủ động khai báo với các cơ quan có thẩm quyền khi thấy có liên quan. Đặc biệt, thành phố đẩy mạnh xét nghiệm nhanh tại cộng đồng để kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh, trong đó bố trí 12 điểm xét nghiệm lưu động để xét nghiệm tại cộng đồng; tăng công suất xét nghiệm, mở rộng đối tượng xét nghiệm...
Đến ngày 15/4, thành phố đã thực hiện gần 60.000 mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (cả test nhanh và xét nghiệm RT-PCR), trong đó riêng trong tuần từ 6-12/4 đã thực hiện gần 3.000 mẫu. Ngày 3/4, Hà Nội ghi nhận 95 bệnh nhân mắc COVID-19, đến ngày 15/4 phát hiện thêm 19 số ca, nâng tổng số lên 114 ca. Trong đó, 56 ca phát hiện tại sân bay Nội Bài được đưa về khu cách ly tập trung, còn 58 ca phát hiện tại cộng đồng. Riêng thôn Hạ Lôi đã ghi nhận 13 bệnh nhân mắc COVID-19. Tất cả các trường hợp bệnh nhân được phát hiện mắc COVID-19 đều nhờ công tác xét nghiệm.
Để đảm bảo biện pháp cách ly xã hội đạt hiệu quả tối đa và không làm ảnh hưởng tới việc giải quyết các yêu cầu chính đáng của công dân tại các cơ quan hành chính nhà nước, UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 1187/UBND - KSTTHC ngày 9/4/2020 yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, khuyến khích và hướng dẫn người dân cân nhắc thời điểm để yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính cấp bách, cần thiết và ưu tiên lựa chọn việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng, thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố hoặc thực hiện thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích của thành phố.
Các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng phương án bố trí cán bộ hướng dẫn, phân luồng công dân đến giao dịch; phân chia vị trí tiếp nhận, trả kết quả hợp lý, đảm bảo trong Bộ phận Một cửa không quá 10 người, bảo đảm việc giãn cách theo hướng dẫn của cơ quan y tế trong công tác phòng, chống dịch. Các cơ quan, đơn vị khai thác các kênh thông tin: Cổng thông tin điện tử của đơn vị; của thành phố và Chính phủ; tổng đài điện thoại; loa truyền thanh; sử dụng mạng xã hội hoặc các công cụ khác phù hợp với quy định để công dân đặt lịch hoặc xếp số thứ tự, hướng dẫn hồ sơ và hẹn thời gian tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả.
Các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Bưu điện thành phố Hà Nội thực hiện việc tiếp nhận và chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho công dân qua hệ thống bưu chính công ích đối với những thủ tục hành chính không bắt buộc công dân phải đến nộp và nhận trực tiếp trong thời gian thực hiện các biện pháp cách ly xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (trường hợp những thủ tục đã có kết quả giải quyết trước đó đơn vị liên hệ với công dân để chuyển trả kết quả qua hệ thống bưu chính công ích), hạn chế thấp nhất số lượng công dân đến giao dịch trực tiếp tại Bộ phận Một cửa. Bưu điện thành phố Hà Nội duy trì mở cửa các điểm giao dịch, đồng thời tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị trên địa bàn theo các hợp đồng và thỏa thuận hợp tác đã ký kết, thực hiện việc chuyển phát hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa các đơn vị cũng như tiếp nhận và chuyển phát đến công dân phải được đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn tích cực đổi mới, cải tiến cách làm việc đáp ứng bối cảnh phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố và theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành việc thực hiện các thủ tục hành chính; phối hợp chặt chẽ với Bưu điện thành phố Hà Nội trong việc tổ chức thực hiện đảm bảo giải quyết hiệu quả yêu cầu công việc cũng như các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; huy động sự tham gia của lực lượng đoàn viên, thanh niên và các lực lượng tình nguyện viên trên địa bàn, có nhiều phương án, cách thức linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị. Tất cả các biện pháp này góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện giãn cách xã hội tại các địa điểm công cộng là những nơi nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh.
Những ngày gần đây, khi số ca nhiễm giảm đi, người dân bắt đầu chủ quan, số lượng người ra đường, tập trung ở các địa điểm công cộng tăng lên. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã nêu rõ, đến nay, tình hình cơ bản được kiểm soát, nhưng diễn biến dịch còn phức tạp, nên tuyệt đối không được chủ quan.
Cách ly toàn xã hội nhằm ngăn chặn kịp thời sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng. Đối với Hà Nội, sau khi phát hiện thêm ổ dịch COVID-19 ở Hạ Lôi, mặc dù đã phong tỏa để kiểm soát nhưng lãnh đạo thành phố xác định nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng rất cao. Cuộc chiến vẫn đang ở phía trước và cách ly xã hội vẫn là biện pháp căn bản để có thể sớm dập tắt dịch bệnh.