Chính sách lương có vai trò động lực cho người lao động, doanh nghiệp và đây là dịp để cải cách hiệu quả chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội.
Còn theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhu cầu cải cách tiền lương đã đến lúc chín muồi - vừa là áp lực, vừa là động lực cho điều chỉnh tiền lương. Cải cách tiền lương phải làm nhanh và dứt khoát.
Các đại biểu tập trung thảo luận Đề án cải cách chính sách tiền lương. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Mức lương phải đảm bảo mức sống Trong bối cảnh hiện nay, cải cách chính sách tiền lương là vấn đề ngày càng cấp thiết. Những thuận lợi cho cải cách chính sách tiền lương, đó là nhận thức về vai trò của nhà nước, mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như những bất cập trong lĩnh vực này ngày càng rõ; chủ trương dứt khoát và quyết tâm cao về cải cách thể chế thể hiện rất rõ qua nhiều nghị quyết được ban hành từ Đại hội XII đến nay. Đây cũng là sự mong đợi và ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp cũng như những người đóng thuế.
Theo Tiến sỹ Jinho Jeong (Viện Lao động Hàn Quốc), khi điều chỉnh lương khu vực công, cần cân nhắc tính phức tạp của nhiệm vụ và mức độ trách nhiệm, mức giá và chi phí sinh hoạt của người dân nói chung để đảm bảo tiền lương có thể đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Đồng thời, cân nhắc mức độ công bằng với tiền lương khu vực tư cũng như cân bằng giữa công chức, viên chức ở các hạng ngạch khác nhau.
Còn Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam Chang Hee Lee khuyến nghị, khi một người vào khu vực công, việc thăng chức lên cấp bậc và vị trị cao hơn, với lương cao hơn, cần được quyết định bằng những đóng góp vào công việc, không phải dựa trên bằng cấp cá nhân. Cần chuyển từ hệ thống hệ số lương sang hệ thống tiền lương cơ bản theo cấp, theo số tuyệt đối; phụ cấp hợp lý, không quá 50% tổng số của gói tiền lương…
Theo quan điểm của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, mức lương công chức phải bảo đảm mức sống, có mối quan hệ tương xứng với khu vực doanh nghiệp, thị trường, không thấp hơn. Nên có hệ thống lương chung và dùng phụ cấp để ưu đãi đối tượng đặc thù. Khoảng cách giữa các bậc lương phải đủ rộng để công chức có động lực phấn đấu, khắc phục việc chức vụ cao hơn nhưng lương thấp hơn, thứ bậc không đúng, không tạo ra động lực.
Nhiều đột phá trong cải cách tiền lương Đề án cải cách chính sách tiền lương mà Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công trình Hội nghị Trung ương 7 nhằm giải quyết các bất hợp lý hiện nay đối với chính sách tiền lương là cào bằng, không kích thích được lao động sáng tạo, không kiểm soát được thu nhập ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Thực hiện trả lương phải theo cấp bậc, vị trí việc làm. Đề cao trách nhiệm trả lương của người đứng đầu, người sử dụng lao động gắn với năng lực, khả năng của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực để kinh tế phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ công, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) cho hay, dự thảo Đề án cải cách chính sách tiền lương đề xuất hướng trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo để phù hợp với Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức. Tiền lương của cán bộ công chức sẽ được cải thiện rõ rệt, tạo ra một mặt bằng mới là tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều được tăng lương.
Tuy nhiên sẽ có sự sắp xếp lại giữa các ngành nghề và bảo đảm tính ưu tiên, khuyến khích các ngành nghề có chính sách ưu đãi của nhà nước. Những bất cập hiện nay như quá nhiều phụ cấp, quy định lương bằng hệ số… sẽ được khắc phục khi ban hành chế độ tiền lương mới. Khi ấy tiền lương sẽ là chính, phụ cấp chỉ chiếm phần nhỏ. Cơ cấu tiền lương gồm mức lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Ngoài ra, còn có cơ chế tiền thưởng theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp) sẽ tạo ra quyền chủ động của thủ trưởng các cơ quan trong chi trả tiền lương.
Điểm nổi bật là không quy định lương theo hệ số, ngạch bậc, mức tiền tuyệt đối sẽ thay cho cách tính lương bằng hệ số nhân với lương cơ sở và xây dựng hệ thống bảng lương mới trên cơ sở quy định bằng mức tiền tuyệt đối. Thay thế hệ thống bảng lương hiện hành bằng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; chuyển xếp lương cũ sang lương mới bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Trong đó, có một bảng lương chức vụ, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. Một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương như hiện nay. Bảng lương này cũng được thiết kế đảm bảo tiền lương tương quan với bảng lương của người giữ chức vụ lãnh đạo và thậm chí có một phần khuyến khích những người làm chuyên môn nghiệp vụ có thể phát triển nhưng không nhất thiết phải đi theo con đường lãnh đạo vẫn có thể tăng lương.
Xây dựng 3 bảng lương mới đối với lực lượng vũ trang, gồm một bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm/cấp hàm), một bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và một bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).
Điểm khác đáng chú ý trong Đề án là đề xuất tăng mức lương đối với cán bộ, công chức do nhà nước quy định, giảm các khoản thu mang tính không chính thống, không thường xuyên để cơ quan đơn vị tập trung vào làm nhiệm vụ. Cho phép các tỉnh, thành ở các vùng động lực nếu tự bảo đảm cân đối ngân sách, tự bảo đảm nguồn cải cách tiền lương có thể chi lương cao hơn để khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao hiệu quả làm việc như đã thực hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh, gỡ nút thắt về cơ chế cho các đơn vị tiết kiệm được chi thường xuyên, muốn quay đầu trở lại để tăng lương cho cán bộ công chức mà không thực hiện được như thời gian qua.
Cải cách chính sách tiền lương gắn với lộ trình cải cách hành chính
Mục tiêu đặt ra đối với khu vực công là từ năm 2018 đến năm 2020, tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế; không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề. Hoàn thành việc xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới theo nội dung cải cách chính sách tiền lương, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập.
Từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị từ năm 2021; năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp. Định kỳ (2 đến 3 năm) thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng CPI, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước. Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
Đối với khu vực doanh nghiệp, từ năm 2018 đến năm 2020, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp và mức sống của người lao động để đến năm 2020 mức lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước theo nội dung của Đề án cải cách chính sách tiền lương.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp mang tính đột phá là triển khai có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập gắn liền với lộ trình cải cách tiền lương; quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương.