Cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế - Bài 1: Bước chuyển mạnh mẽ từ Nghị quyết 18,19

Cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nếu như Đại hội XII được coi là mốc son đánh dấu sự mở đầu cuộc đổi mới lần thứ hai ở nước ta, cải cách tổ chức bộ máy là một trong những khâu đột phá của sự đổi mới đó.

Mục tiêu tổng quát tại Nghị quyết 18-NQ/TW nhấn mạnh tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.

Chú thích ảnh
Huyện Đông Hưng sáp nhập vào Trung tâm y tế huyện Đông Hưng và chuyển về trực thuộc Sở Y tế Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 5 bài viết nhìn lại công tác cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 18, 19

Bài 1: Bước chuyển mạnh mẽ từ Nghị quyết 18,19

Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương nhận định, những năm qua, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được đổi mới. Chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả thấp… Tuy đã quan tâm đầu tư nhiều cho kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý nhưng hiệu quả tác động vào việc tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tinh giản biên chế chưa tương xứng. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và ở thôn, tổ dân phố. Chính sách tiền lương còn bất cập.

Từ tổ chức bộ máy bên trong còn nặng nề…

Nhìn về thời điểm đầu nhiệm kỳ, có thể thấy rõ, mặc dù số bộ, cơ quan ngang bộ giảm đi (18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ), nhưng tổ chức bộ máy bên trong còn nặng nề, nhiều đầu mối, số đơn vị trực thuộc tăng lên với nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân (198 đơn vị/22 bộ, cơ quan ngang bộ), dẫn đến tình trạng “bộ trong bộ”, các lĩnh vực công tác bị chia nhỏ, cắt khúc, thiếu tính bao quát chung.

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2011-2016, số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tăng 28 đơn vị, trung bình mỗi cơ quan tăng thêm 1,1 đơn vị. Số lượng các đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng 822 đơn vị. Tính đến tháng 6/2017, cả nước có 42 tổng cục, tăng 100% so với nhiệm kỳ Chính phủ khóa XI. Số lượng các vụ, cục, phòng tăng từ 4,7% đến 13,6% so với năm 2011.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ ở thời điểm cuối năm 2016 là 510; số vụ, cục, chi cục thuộc tổng cục là 3.867. Xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra nhanh ở nhiều bộ, có đến 29 cục được thành lập trong thời gian này. Việc tăng số cục trong bộ kéo theo việc tổ chức thêm nhiều đơn vị cấp phòng trong cục, trong 5 năm tăng 180 đơn vị, tháng 12/2016 có 958 phòng thuộc cục. Số lượng phòng trong vụ chuyên môn vẫn có tới 945 phòng. Chỉ 99/344 vụ không tổ chức phòng.

Bên cạnh đó, số lượng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh cũng tăng lên 34 cơ quan, tăng 85 phòng và tương đương, 16 chi cục thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh trong giai đoạn 2011 – 2016.

 …đến giảm tối đa cấp trung gian

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ và cơ quan ngang bộ sắp xếp lại cơ cấu tổ chức để giảm tối đa cấp trung gian, thu gọn đầu mối, giảm biên chế.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ đã hoàn thiện quy định về tiêu chí thành lập tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và số lượng cấp phó của các tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, làm cơ sở cho các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng phương án kiện toàn tổ chức của cơ quan mình.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, toàn ngành Nội vụ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành mục tiêu sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác tổ chức bộ máy và thực hiện tinh giản biên chế đã đạt nhiều kết quả nổi bật, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng ghi nhận, đánh giá cao, đảm bảo yêu cầu theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối cấp trung gian và từng bước khắc phục những bất cập, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, vượt mục tiêu đề ra.

Qua sắp xếp, cơ cấu tổ chức của bộ đến nay có 249 vụ và tương đương, giảm 12 tổ chức (4,6%); 126 cục, tăng 7 tổ chức (5,88%); 31 tổng cục và tương đương, gồm: 21 tổng cục và 10 tổ chức tương đương, tăng 2 tổng cục (6,9%), không tính giảm 6 tổng cục thuộc Bộ Công an; có 100 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 10 tổ chức (9,09%).

Cơ cấu tổ chức của tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục có 226 vụ và tương đương, tăng 7 tổ chức (3,2%); 419 cục, gồm: 37 cục ở cơ quan tổng cục, 67 cục khu vực (Đường bộ, Hải quan, Dự trữ nhà nước, Môi trường, Địa chất và Khoáng sản), 315 cục ở cấp tỉnh (Thi hành án dân sự, Thống kê, Thuế, Kho bạc Nhà nước, Quản lý thị trường); 130 đơn vị sự nghiệp công lập (tăng 6 tổ chức, tăng 4,84%).

Tổ chức bộ máy của các cơ quan thuộc Chính phủ có 52 ban và tương đương (giảm 1 tổ chức, giảm 1,89%); 142 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 24 tổ chức, giảm 14,46%).

Nổi bật có thể kể đến là Bộ Tài chính. Đây là một trong những bộ đi đầu trong sắp xếp, thu gọn đầu mối cơ quan, tổ chức, nhất là bộ máy tổ chức của cơ quan Hải quan và Thuế theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương. Tổng cục Hải quan đã sắp xếp tổ chức các Cục Hải quan tỉnh, thành phố theo khu vực liên tỉnh; rà soát, sắp xếp lại các Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan, Đội (Tổ) và tương đương thuộc Chi cục Hải quan. Giai đoạn 2015 – 2020, đã giảm được 12 Chi cục Hải quan (tương ứng với 7%), giảm 232 Đội (Tổ) và tương đương thuộc Chi cục Hải quan (tương ứng với %).

Tại Hội nghị Tổng kết công tác thuế năm 2020 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2021, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận, ngành Thuế tiếp tục làm tốt công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế với việc cắt giảm đáng kể số lượng Chi cục Thuế trong cả nước từ 711 xuống còn 415 Chi cục thuế, đạt 102% kế hoạch và vượt thời gian quy định trước 10 tháng.

Đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện sắp xếp, cắt giảm được trên 5.641 đầu mối các đơn vị từ cấp Trung ương đến cấp tổ (đội) tại địa phương; giảm 4.544 vị trí lãnh đạo, quản lý; giảm 9 đơn vị sự nghiệp công lập (từ 36 đơn vị xuống còn 27 đơn vị).

Tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thực hiện đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, cơ quan này đã giảm 65 đầu mối cấp phòng thuộc 63 Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố; 58 Bảo hiểm xã hội thành phố, thị xã nơi có trụ sở Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh đóng trên địa bàn và 6 Bảo hiểm xã hội cấp huyện. Tại Trung ương, hoàn thành xong việc giảm 3 đơn vị đầu mối cấp Vụ, Ban, không tổ chức cơ cấu cấp phòng tại 4 đơn vị theo đúng quy định.

Từ việc sắp xếp bộ máy, số lượng cấp phó ở bộ và cơ quan ngang bộ đã giảm đáng kể, trong đó, Phó vụ trưởng và tương đương giảm 70; phó cục trưởng và tương đương giảm 30; phó tổng cục trưởng và tương đương giảm 7; phó trưởng phòng thuộc vụ giảm 3 và phó trưởng phòng thuộc cục giảm 122 vị trí.

Bài 2: “Năm giảm” ở bộ máy hành chính cấp tỉnh

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Quy định mới về tinh giản biên chế từ 10/12/2020
Quy định mới về tinh giản biên chế từ 10/12/2020

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 143 về chính sách tinh giản biên chế. Theo đó, kể từ tháng 12/2020, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các đối tượng sau đây sẽ thuộc diện tinh giản biên chế hàng năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN