Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Vũ Mão. |
Rất trăn trở về thực trạng nền kinh tế và đời sống xã hội hiện nay, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Vũ Mão kỳ vọng Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII dám nhìn thẳng vào sự thật, quyết liệt đưa đất nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
* Thưa ông, Đại hội XII của Đảng được đánh giá là rất thành công, đặc biệt về mặt nhân sự. Nhưng kèm theo thành công luôn có những thách thức lớn, những áp lực đặt ra đối với đội ngũ lãnh đạo mới của đất nước?Mọi thành công không phải cứ tự nhiên đến, mà đều xuất phát từ sự nỗ lực, cố gắng. Ban Chấp hành Trung ương mới được bầu chính là kết quả của sự chuẩn bị công phu, bài bản của Đảng ta trong suốt nhiệm kỳ vừa qua. Thách thức thì nhiều, nhưng tôi cho rằng thách thức lớn nhất đến từ nội tại. Ban Chấp hành Trung ương mới, Bộ Chính trị mới, với những nhân sự mới được tăng cường, làm sao đẩy mạnh hơn nữa sự đoàn kết nội bộ. Có như vậy mới tạo nên được sức mạnh tổng hợp, có thể lãnh đạo đất nước đối mặt với những thách thức trong một giai đoạn phát triển mới, đồng thời cũng không để các thế lực thù địch bên ngoài có cơ hội khai thác kẽ hở này để chống phá Đảng.
* Từng là Ủy viên Trung ương 5 khóa liền (V, VI, VII, VIII, IX), ông kỳ vọng gì vào những gương mặt trẻ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ này?Đội ngũ lãnh đạo của Đảng được tăng cường sức trẻ, đó là điều hết sức đáng mừng. Nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương kỳ này tuổi đời mới chỉ 39, 40. Ngay cả Bộ Chính trị cũng được trẻ hóa mạnh mẽ. Nhưng ngược lại, những người trẻ thì ít kinh nghiệm hơn, còn nhiều hạn chế hơn so với lớp đi trước. Tôi mong những lãnh đạo trẻ khiêm tốn nhận thức rõ điều này, biết lắng nghe nhiều hơn, có như vậy mới đóng góp cho công việc của đất nước tốt hơn. Lê nin và Bác Hồ từng nói, bệnh nguy hiểm nhất của người cộng sản là kiêu ngạo cộng sản. Đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Những người lãnh đạo trẻ cần tự học hỏi, rèn luyện để không ngừng tự hoàn thiện mình.
* Với tư cách là một người dân, ông chờ đợi điều gì nhất từ Ban Chấp hành Trung ương mới?Tôi hết sức trăn trở làm sao để nền kinh tế của chúng ta bứt phá lên được, không để bị đẩy vào mức tụt hậu. Đại hội vừa qua nhấn mạnh rằng bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta hiện là nước có thu nhập trung bình, có nhiều triển vọng phát triển kinh tế… nhưng thực chất chúng ta tụt hậu về nhiều khía cạnh so với các nước trên thế giới, mà ngay trong khu vực cũng vậy. Năng suất lao động là một ví dụ điển hình.
Thế hệ cha anh chúng ta có thể tự hào đã hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước; đã rửa được nỗi nhục mất nước. Bây giờ, đặt trọng trách trên vai thế hệ hôm nay là phải đưa đất nước tiến lên, như Bác Hồ nói là “sánh vai với các cường quốc năm châu”, có nghĩa là không tụt hậu. Cần báo động về nguy cơ tụt hậu. Báo động ở đây phải hiểu theo nghĩa chúng ta phải nhanh lên, đừng thỏa mãn. Hiện nay, chúng ta có nền tảng của 30 năm đổi mới rồi, nhưng đổi mới còn chậm. Tình thế này đòi hỏi đất nước phải tiếp tục đổi mới, tiến lên.
* Sau 30 năm đổi mới, một lần nữa đổi mới lại là vấn đề cấp bách hiện nay. Nhưng chúng ta phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền, mà bản chất của nhà nước pháp quyền là dân chủ. Chúng ta cũng đạt được những thành tựu về dân chủ, nhưng cần phải thực hiện dân chủ nhiều hơn nưa với nhân dân. Một trong những tiến bộ của dân chủ là người dân đã được trực tiếp theo dõi những buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội. Người dân được nghe, cảm nhận những trao đổi, tranh luận của đại biểu Quốc hội - những người thay mặt cho dân, với những người quản lý Nhà nước. Điều này thỏa mãn lòng dân lắm. Nhiệm vụ sắp tới là cần thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, như đã nêu trong nghị quyết của Đại hội vừa qua. Việc Quốc hội mới đây đã thông qua Luật trưng cầu ý dân là một hành động hết sức cụ thể, bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định lớn của đất nước liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân.
Đặc biệt, tôi còn khao khát hơn là sự đổi mới của Đảng. Hiến pháp 2013 có ghi: Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Nhưng nhân dân giám sát như thế nào? Cơ chế nào, văn bản nào để người dân thấy Đảng chịu trách nhiệm của mình? Tôi cho rằng chúng ta phải làm thực chất. Có như thế, Đảng thực sự ở trong lòng dân.