Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, dân vận chính quyền không chỉ là vận động, thuyết phục, nâng cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trong quá trình phục vụ nhân dân, mà còn là quá trình các cơ quan nhà nước tham gia vào việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để người dân nâng cao nhận thức và tham gia tích cực cùng chung tay xây dựng bộ máy nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Công tác dân vận chính quyền có mối quan hệ mật thiết với công tác xây dựng chính quyền. Chẳng hạn như công tác cải cách hành chính không chỉ Chính phủ, chính quyền địa phương triển khai mà toàn bộ công chức, viên chức, người dân cùng tham gia, hay việc đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết 18-NQ/TW, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập... Những vấn đề này một mình Bộ Nội vụ không làm được mà cần có sự chung tay của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, của người dân, các tổ chức quần chúng...
Dân vận chính quyền thực ra là chính quyền tham gia vào công tác dân vận. Thực hiện công tác dân vận chính quyền, công chức không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mà còn phải có cảm xúc trong công việc, không thể vô cảm, kể cả công chức hoạch định, tham mưu xây dựng chính sách hay công chức thực thi, thừa hành công vụ.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn dẫn chứng trong việc xây dựng chính sách, đã có thời kỳ một cơ quan đề xuất ngực lép không được lái ô tô, đó là phản cảm, năng lực yếu kém. Để đội ngũ cán bộ, công chức toàn tâm, toàn ý, chính sách đãi ngộ là rất quan trọng, phải để họ sống được bằng lương.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã kiến giải nhiều vấn đề, khẳng định ý nghĩa, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, quán triệt sâu các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận nói chung, dân vận chính quyền nói riêng. Các ý kiến cho rằng, dân vận chính quyền phải đặt trong một hệ thống giải pháp để công chức có thể làm tốt việc của mình.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng cho rằng, dân vận chính quyền thực hiện thông qua đội ngũ cán bộ của hệ thống chính quyền, trước hết là cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính đều phải làm công tác dân vận chính quyền.
Ông Trần Hữu Thắng nhìn nhận, hiện nay, cán bộ, công chức đã có thay đổi nhiều trong ứng xử với người đến giao dịch công việc, song, phải tiếp tục xây dựng văn hóa của công chức trong ứng xử với người dân tốt hơn nữa, tăng cường sự hài lòng người dân, bởi đây vẫn là khâu yếu.
“Dân vận chính quyền chính là xây dựng đạo đức công vụ của đội ngũ công chức tiếp xúc trực tiếp với người dân, lấy phương châm vì nhân dân mà phục vụ, và yêu cầu cao nhất là thỏa mãn yêu cầu chính đáng của người dân”, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Đề cập đến tư tưởng Hồ Chí Minh về “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, trách nhiệm với nhân dân”, ông cho rằng, cán bộ cần phải nói thế nào để “trọng dân”. Cán bộ chúng ta chưa thực sự trọng dân, chưa nói đến gần dân, hiểu dân và học dân.
“Không phải chỉ ra lệnh cho nhân dân, bắt người dân phải làm. Phương châm của cán bộ, công chức bây giờ trong công tác dân vận chính là nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn nhân dân làm và làm dân tin”, ông Trần Hữu Thắng đúc kết.
Ông cho rằng, chưa phải toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước đã thực hiện được những nội dung này. Niềm tin của người dân với cán bộ hiện giảm sút. Trong thời điểm hiện nay, công tác dân vận chính quyền là rất quan trọng. Cán bộ, công chức phải gương mẫu, làm trước, làm gương cho người dân và người dân tin theo cán bộ. Dân là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành bại của cách mạng, nên phải lo cho dân, lắng nghe ý kiến dân, trọng dân, tin dân, từ đó mới có thể vận động nhân dân làm những điều mà Đảng, Nhà nước mong muốn.
Dân vận chính quyền có vị trí quan trọng trong công tác dân vận nói chung của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, vì chính quyền là những nơi gần dân nhất, sát sao nhất, nên dân vận chính quyền là việc cần thiết cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Làm tốt công tác dân vận chính quyền là nâng cao được sức mạnh của hệ thống chính trị, vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức đối với người dân.
“Ngày nay, người dân hiểu biết rất nhiều, nên giải thích cho dân, để dân hiểu, dân nghe, dân tin, dân làm theo rất khó. Cán bộ, công chức đừng xem thường việc nâng cao trình độ kiến thức, đặc biệt là phải thuyết phục dân, thu phục dân, cao hơn nữa là chinh phục người dân”, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng.
Ông đề nghị, Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu chính cho Chính phủ về dân vận chính quyền cần có đánh giá, tổng kết sau 20 năm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, dân vận chính quyền, để đưa ra các giải pháp phù hợp, làm cho công tác dân vận chính quyền tốt hơn, hiệu quả hơn. Thực hiện có hiệu quả công tác dân vận chính quyền chính là đáp ứng sự hài lòng của người dân.