Suy thoái do thiếu tu dưỡng, rèn luyện
Tại hội thảo, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra thực tế đáng báo động, cần phải nghiêm túc nhìn nhận, có giải pháp khắc phục ngay tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên hiện nay do thiếu tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Tham luận với chủ đề: Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên đối với bản thân, gia đình, đồng chí, đồng nghiệp, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Triệu Thị Ngọc thông tin, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng thời gian qua đó là: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, diễn ra ở tất cả các cấp, ngành. Thời gian qua, cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật trên 2.430 đảng viên, trong đó có trên 480 cấp ủy viên các cấp. Cùng với xử lý, kỷ luật về Đảng, có 62 đảng viên bị xử lý hành chính, 322 đảng viên bị truy tố trước pháp luật.
Trong bài tham luận gửi tới hội thảo với chủ đề: Sự cần thiết phải xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương dẫn số liệu chỉ rõ, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, đã có hơn 1.300 tổ chức Đảng và gần 70.000 đảng viên vi phạm quy định bị thi hành kỷ luật. Năm 2021, cả nước có 618 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái quy định (tăng 132 đảng viên so với năm 2020). Năm 2021, tỉnh Hải Dương có trên 650 đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ; trong đó, 317 trường hợp bị xử lý kỷ luật.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu thực tế cho thấy, nhiều cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Đáng lo ngại là tỷ lệ vi phạm về chuẩn mực đạo đức, lối sống chiếm cao, khoảng 60% số trường hợp vi phạm quy định; suy thoái về tư tưởng chính trị 33%, còn lại là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây là những số liệu rất đáng lưu tâm trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Xây dựng chuẩn mực đạo đức mới
Theo các đại biểu, từ thực tiễn lịch sử, Đảng ta cũng đã nhận diện đầy đủ, cảnh báo về vấn đề suy giảm phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Một số đảng viên có biểu hiện lối sống thiếu trung thực, cơ hội, chạy thành tích, chạy bằng cấp.
Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, nghiêm túc. Một số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, chưa nêu cao ý thức, trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân. Không ít cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, thiếu sự nêu gương về đạo đức, lối sống, mất uy tín với nhân dân. Tình trạng quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc, yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của nhân dân vẫn còn diễn ra...
Trước yêu cầu mới của sự phát triển và hội nhập với rất nhiều yếu tố mới trong nước và thế giới, các đại biểu đề xuất Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị liên quan cần xây dựng một chuẩn mực đạo đức mới đối với cán bộ, đảng viên trên tinh thần dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với thực tế đặt ra.
Trong bài tham luận gửi tới hội thảo với chủ đề: Sự cần thiết phải xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Dương Trung Ý và Thạc sĩ Nguyễn Văn Hùng, Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhìn nhận: Các chuẩn mực đạo đức cách mạng cơ bản của cán bộ, đảng viên trước đây đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay cần có sự bổ sung, phát triển hoặc cần có những tiêu chí, tiêu chuẩn biểu hiện bằng những giá trị cụ thể, phù hợp với thực tiễn đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Ví dụ, các chuẩn mực: Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, yêu thương con người, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tinh thần quốc tế thủy chung, trong sáng, ý thức tổ chức, kỷ luật, sự hi sinh, cống hiến, lòng kiên trung... của cán bộ, đảng viên hiện nay cần phải được cụ thể hóa, chuẩn hóa bằng những tiêu chí, giá trị cụ thể, phù hợp, vừa giữ vững tinh thần, giá trị căn cốt về phẩm chất đạo đức cách mạng, vừa không gò bó, hạn chế trong nhìn nhận, đánh giá.
Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Khoa học Công an đã đưa ra những yêu cầu cơ bản về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên đó là: Đối với mình phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với gia đình, người thân, cộng đồng phải: Hiếu thảo với cha, mẹ; tôn kính tiền nhân; sống nghĩa tình với anh em; trung thực, chân thành với đồng đội, bạn bè, cộng đồng; đường hoàng, lịch thiệp với bạn bè quốc tế. Với Tổ quốc, dân tộc phải: Nói và làm theo Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam; chấp hành nghiêm mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy tắc sinh hoạt cộng đồng; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, tìm mọi cách hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao; sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng...
Để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương đã đưa ra 7 giải pháp, trong đó nhấn mạnh: Mỗi cán bộ, đảng viên phải nỗ lực học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập, quán triệt nghiêm túc các chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng... qua đó giúp cho mỗi người rèn luyện và giữ vững bản lĩnh chính trị, đặt lợi ích của Đảng, đất nước, dân tộc lên trên hết, trước hết.
Cùng với đó, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng trong mọi lĩnh vực công tác và cuộc sống đời thường để làm mẫu cho quần chúng. Việc rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên phải thực hiện thường xuyên, liên tục, suốt đời, tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh.