Tại kỳ họp, nhiều đại biểu và cử tri quan tâm đến kết quả giám sát việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở đối với công nhân lao động tại các khu công nghiệp giai đoạn 2016 - 2021.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chấp thuận đầu tư cho 9 dự án nhà ở xã hội, trong đó, có 4 dự án nhà ở xã hội độc lập với diện tích đất hơn 4 hecta đã hoàn thành và bàn giao được 1.764/1.773 căn hộ cho khách hàng (còn lại là căn hộ thương mại của chủ đầu tư), tổng diện tích sàn nhà ở đạt hơn 128.300m2. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh có 5 dự án nhà ở xã hội kêu gọi đầu tư với diện tích đất trên 17 ha, tổng số căn hộ là 6.2 căn, tổng diện tích sàn nhà ở 658.0 m2. Những dự án này đang triển khai các thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết, thực hiện thủ tục liên quan đến xây dựng cơ bản, giao đất.
Năm 2023, UBND tỉnh có chủ trương kêu gọi đầu tư 16 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, với diện tích đất hơn 174 hecta, tổng số căn hộ 20.599 căn, tổng diện tích sàn nhà ở hơn 1,3 triệu m2. Đồng thời, tỉnh kêu gọi đầu tư dự án Ký túc xá sinh viên Đại học Huế, diện tích đất hơn 0,8 ha, tổng diện tích sàn nhà ở 33.147m2, với 500 căn.
Về nhà ở xã hội cho công nhân, Thừa Thiên - Huế có một dự án của Công ty Scavi Huế (huyện Phong Điền) trên diện tích 3 ha, gồm 16 tòa nhà, dự kiến sẽ giải quyết chỗ ở cho 2.200 lao động. Đến nay, dự án chưa hoàn thành, mới thực hiện được 764m2 sàn, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 400 công nhân.
Trong các chỉ tiêu phát triển sàn nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh chỉ đạt một chỉ tiêu về phát triển nhà ở cho người có công với cách mạng; các chỉ tiêu về phát triển nhà ở cho công chức, viên chức, người lao động tại khu công nghiệp, sinh viên, học sinh… đều không đạt.
Báo cáo giám sát chỉ ra những khó khăn, bất cập như: Đối với dự án quy mô từ 2 ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại 1 phải dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội sẽ gây phá vỡ sự hài hòa kiến trúc giữa dự án nhà ở xã hội và nhà ở cao cấp cũng như nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý.
Hiện nay, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Khu công nghiệp Phong Điền, Phú Bài đã bố trí đất phát triển nhà ở xã hội; các khu công nghiệp còn lại của tỉnh lại không bố trí quỹ đất này. Ngoài ra, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội mất nhiều thời gian do vướng các quy định chồng chéo, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án…
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thị Ái Vân đề nghị, UBND tỉnh kịp thời thực hiện Luật Nhà ở năm 2023 sau khi có hiệu lực thi hành; cần bổ sung các chỉ tiêu phát triển nhà ở vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo quy định; chỉ đạo rà soát bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch được phê duyệt; công bố Danh mục dự án nhà ở xã hội làm cơ sở triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ; thực hiện tốt việc thẩm định giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội và đối tượng tham gia đúng quy định…