Cần lắm đặc thù riêng với Tòa án
Mở đầu phần thảo luận, ĐB Thúy cho hay, từ khi giao cho Tòa án thực hiện quyền tư pháp và được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013, cả hệ thống chính trị đã chung tay hỗ trợ rất nhiều cho Tòa án thực hiện nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Bên cạnh đó, tự thân hệ thống Tòa án cũng đã nỗ lực rất nhiều để càng ngày càng đủ tầm, đủ sức thực hiện quyền thiêng liêng cao cả này.
Thời gian qua, TANDTC đã tạo mọi điều kiện cho Tòa án địa phương hoạt động, các bất cập, hạn chế đã được khắc phục dần, đặc biệt từ khi ban hành Quy định 120 về xử lý kỷ luật người giữ chức danh tư pháp, quy tắc ứng xử của Thẩm phán, Tòa án các cấp đã xử lý nghiêm, nhanh chóng, kịp thời mọi vi phạm dù là nhỏ nhất của người giữ chức danh tư pháp trong hệ thống Tòa án, nâng cao kỷ luật, kỷ cương công vụ, làm giảm bức xúc trong dư luận, tạo niềm tin cho nhân dân và sự nghiêm minh của Tòa án.
Tuy nhiên, để Tòa án cũng như các cơ quan tư pháp hoạt động hiệu quả hơn, góp phần phòng, chống tội phạm, ĐB đã đề nghị Quốc hội xem xét một số nội dung.
Đó là, các chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ mà Quốc hội giao cho các cơ quan tư pháp trong đó có Tòa án, quy định các loại án phải đạt trên mức tối thiểu mới được xem xét hoàn thành nhiệm vụ.
Theo ĐB Trịnh Thị Thúy, xét xử là công việc đặc thù riêng, cần đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không thể cứ có sự làm việc là tạo ra sản phẩm. Pháp luật hiện hành quy định, muốn đưa một vụ án ra xét xử đã đủ điều kiện thì phải phụ thuộc vào việc thu thập chứng cứ từ các cơ quan khác cũng như người cung cấp.
Đặc biệt từ khi có Nghị quyết số 49 cũng như Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp thì Tòa án cần mở rộng tranh tụng để tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Chính việc quy định nêu trên đã gây áp lực cho Tòa án, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giải quyết vụ án.
“Dư luận đều cảm nhận rằng những ngày cuối thời điểm chốt thi đua, Toà án thường trì hoãn thụ lý vụ án. Như vậy không phải chạy theo thành tích mà xác định Tòa án không muốn quá trình công tác bị xem là không hoàn thành nhiệm vụ”, ĐB nêu.
Hiện nay có quy định “án tạm đình chỉ không được tính vào chỉ tiêu thi đua”, trong khi Luật quy định Tòa án tạm đình chỉ vụ án khi phải đợi kết quả trả lời của các cơ quan khác. Từ lý do đó mà các Tòa án có số lượng án thụ lý lớn, phức tạp, đương sự có ở nước ngoài nhiều, không thể nào hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi các quan hệ tranh chấp ngày càng đa dạng, phức tạp, nhiều loại tội phạm mới quy mô và có tổ chức. Tòa án phải làm việc cật lực, để kịp thời đưa các vụ lớn ra xét xử, dư luận quan tâm, giải quyết các tranh chấp, góp phần ổn định trật tự trị an xã hội, đáp ứng yêu cầu phục vụ chính trị địa phương.
Dẫn thực tế trên, ĐB đề nghị Quốc hội và TANDTC có cơ chế quy định mới, khoa học, tiến bộ để các tiêu chuẩn chỉ tiêu công tác sát với thực tế, phù hợp với vai trò, nhiệm vụ của từng cơ quan tư pháp để thi đua mang đúng ý nghĩa tích cực của nó, tránh để tồn tại những tình trạng đối phó hoặc Tòa án luôn trong tình trạng không hoàn thành nhiệm vụ.
Thẩm phán phải kiêm cả việc của thư ký tòa
Vấn đề nữa được các ĐB Thúy đề cập đến là về biên chế Tòa án. Đồng tình với chủ trương tinh giản biên chế của Trung ương, nhưng ĐB Thúy cho rằng, không nên áp dụng đồng bộ cho tất cả các đơn vị trong ngành tư pháp, vì mỗi cơ quan có đặc thù riêng. Hiện nay, TANDTC đã có kế hoạch để sắp xếp lại các Tòa án địa phương. Tòa án TP Hồ Chí Minh đã giảm được gần đủ 10% theo quy định, nhưng đáng lo ngại là hiện nay mỗi Thẩm phán đang phải đảm nhiệm giải quyết 10 vụ án/tháng, trong khi lượng án gia tăng hàng năm nên rất khó khăn.
Hơn nữa, biên chế giảm nhưng vẫn phải bổ nhiệm Thẩm phán dẫn đến thiếu hụt Thư ký trầm trọng. Hiện nay, 1 Thư ký Tòa án TP Hồ Chí Minh phải giúp việc cho 3 Thẩm phán. Các phiên họp đưa người đi cai nghiện, Thẩm phán này phải làm Thư ký cho Thẩm phán kia khi không là chủ tọa. Bởi vậy “Tòa án không xin tăng biên chế nhưng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên biên chế được phân bổ tại TP Hồ Chí Minh và chủ động điều động Thẩm phán trung cấp, sơ cấp thuộc mình quản lý”, ĐB kiến nghị.
Một thực tế khiến không ít ĐB phải giật mình được ĐB Trịnh Ngọc Thúy dẫn ra là từ đầu năm đến nay, Tòa án TP Hồ Chí Minh đã nhận rất nhiều đơn xin nghỉ việc của Thẩm phán và Thư ký do quá tải và áp lực công việc. Tuần vừa rồi có một Chánh án quận có đơn xin nghỉ việc và đây là lần thứ hai Chánh án này xin nghỉ việc…
Để xử lý tình huống này, Tòa án TP Hồ Chí Minh chỉ cho Thư ký nghỉ việc còn Thẩm phán thì chỉ cho nghỉ trong trường hợp bệnh nặng, còn các trường hợp khác thì động viên và giải quyết cho nghỉ lần lượt, vì cũng không có kinh phí đủ để trả thôi việc một lần. Những người này thường làm việc một cách cầm chừng, gây ảnh hưởng không tốt đến công việc chung của Tòa án, ĐB Thuý cho hay.
ĐB Đào Tú Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ cho biết thêm, trong 10 tháng gần đây đã có 51 Thẩm phán xin thôi việc do áp lực công việc và chế độ đãi ngộ thấp. Theo ĐB, số lượng biên chế 15.237 người được UBTVQH phân bổ từ năm 2012. Đến nay, thẩm quyền xét xử tăng và các vụ việc tăng gấp đôi so với thời điểm được giao biên chế. Theo định mức xét xử để tính định biên mỗi Thẩm phán xét xử từ 4 - 5 vụ/tháng, nhưng hiện nay là 10 vụ/Thẩm phán/tháng. Trong khi Tòa án phải thực hiện giảm 10% theo quy định.
Hơn nữa, có rất nhiều vụ án lớn, trọng điểm được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Có nhiều vụ án phải nghiên cứu hồ sơ, tổ chức xét xử vài ngàn hồ sơ, tài liệu cân nặng hàng tạ với hàng nghìn bút lục cùng với số lượng người tham gia tố tụng trong vụ án lên đến hàng trăm, hàng nghìn người.
Như vậy, mặc dù thẩm quyền được mở rộng và số lượng các loại vụ việc ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp, yêu cầu chất lượng phải nâng cao hơn nữa nhưng biên chế phải giảm như nêu trên đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức viên chức TAND đã gắng quá sức rồi nhưng vẫn phải không ngừng cố gắng.
Do đó, ĐB đề nghị Quốc hội có sự cân nhắc thấu đáo về chỉ tiêu tinh giản biên chế đối với ngành TAND. Trước mắt, đề nghị Quốc hội cân nhắc việc giao chỉ tiêu xét xử được đề cập tại dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội kỳ họp này.