Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn với các đại biểu tại điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng xung quanh các nội dung trên trên.
Góp ý về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng cần tăng cường năng lực cho các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, thị trường khoa học - công nghệ, thị trường lao động. Trong thời gian chống dịch COVID-19, có lúc đời sống, tâm lý của người lao động trong nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề. Đến nay, khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, lực lượng lao động được tiêm vaccine phòng COVID-19, cùng với các gói hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền... đã khiến cho người lao động yên tâm hơn trong sản xuất, đời sống. Vì vậy, công tác an sinh xã hội là rất quan trọng khi muốn nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, để khôi phục nền kinh tế, trong kế hoạch cần có các giải pháp cụ thể về nguồn lao động, nâng cao năng suất lao động trong từng ngành, từng lĩnh vực.
Theo đại biểu Trần Chí Cường, cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã đạt được một số thành công nhất định, chuyển dịch theo đúng định hướng, là nền tảng quan trọng để tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19, dưới tác động của nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam cũng cần có sự chuyển dịch theo hướng thích ứng, linh hoạt. Nhất trí với nội dung lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá; huy động và phân bổ, sử dụng hiệu quả cao mọi nguồn lực cho phát triển, gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường thích ứng với biển đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đại biểu cho rằng thực hiện chuyển đổi số là một trong những yếu tố mà các lĩnh vực kinh tế cần chú trọng phát triển. Thời gian qua, việc chuyển đổi số của Đà Nẵng đã đạt một số kết quả tốt, đây là nền tảng cơ bản để thành phố thực hiện mục tiêu chung của cả nước trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Chí Cường nhận định, vấn đề hoàn thiện các thể chế cũng rất cấp thiết, quan trọng để có thể tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả. Qua đánh giá, còn rất nhiều luật, thông tư, nghị định... đang còn vướng mắc ở nhiều lĩnh vực. Vấn đề này cần sớm được tháo gỡ, tạo động lực, nền tảng pháp lý cho việc phát triển kinh tế trong thời gian tới.
“Tôi cho rằng cần tập trung hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm giai đoạn trước chưa hoàn thành, gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng. Đây là ba lĩnh vực then chốt, góp phần thúc đẩy, tạo nguồn lực cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, để có thể khắc phục được các vấn đề đang tồn tại hiện nay trong các lĩnh vực này thì cần phải có sự phân tích, đánh giá rõ hơn, cụ thể hơn. Trong đó cần làm rõ trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương trong việc chưa hoàn thành các mục tiêu này. Phải rút ra được những tồn tại, hạn chế cụ thể thì mới có thể thực hiện đạt hiệu quả tốt hơn trong giai đoạn 2021-2025.” - Đại biểu Trần Chí Cường nói.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đánh giá cách thức tổ chức đợt kỳ trực tuyến lần này đã cho thấy sự linh hoạt ứng phó của Quốc hội trong bối cảnh dịch bệnh. Đặc biệt, Quốc hội đã hoàn thiện thêm các tính năng trên ứng dụng Quốc hội như: chức năng biểu quyết và lấy ý kiến, là tiền đề để có thể áp dụng, nhân rộng hình thức họp trực tuyến trong thời gian tới. Dù họp trực tuyến nhưng không khí thảo luận, tranh luận rất sôi nổi; nhiều vấn đề được phân tích, đánh giá rất sâu sắc, góp phần tạo nên thành công chung của kỳ họp.