Cho biết quan tâm đến một số nhóm vấn đề về Thanh tra, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá: Những năm vừa qua, dù ngành Thanh tra đã rất nỗ lực để tránh sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, nhưng thực tế hiện nay vẫn còn có sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và kiểm toán. Đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân, hiện tượng này đã có phần bớt đi, nhưng với khu vực doanh nghiệp, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước thì vẫn còn nhiều sự chồng chéo, trùng lắp nên dẫn tới tình trạng “một cơ quan, một đơn vị trong một năm phải tiếp rất nhiều các đoàn thanh tra khác nhau".
Theo mong muốn của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, sự chồng chéo, trùng lắp này cần ngành Thanh tra sớm có giải pháp để vừa đảm bảo công tác chuyên môn giúp cho hoạt động Nhà nước hiệu quả hơn, vừa đảm bảo không gây phức tạp cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. “Ngành Thanh tra cũng phải có các giải pháp để xử lý những hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật trong công tác Thanh tra. Dù hiện tượng này có tỷ lệ nhỏ, thấp nhưng lại ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân, sự nỗ lực của toàn ngành Thanh tra”.
Liên quan đến “làn sóng” công chức, viên chức rời bỏ khu vực công, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, để giải quyết tình trạng này không thể chỉ thực hiện một, hai giải pháp mà đòi hỏi phải tập trung thực hiện nhiều giải pháp, cũng như giải quyết gốc rễ của nhiều vấn đề khác. Theo đại biểu đoàn Hải Dương, phải làm thế nào để gắn kết giữa tinh giảm biên chế vẫn đảm bảo bộ máy Nhà nước với việc ngăn chặn được tình trạng bỏ nghề của công chức, viên chức, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyển dụng để có được những người thực sự tài năng vào bộ máy. “Chúng ta cũng cần phải quan tâm hơn nữa việc cải cách tiền lương hiện nay. Đó là những vấn đề rất nóng”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Bên lề Kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) cũng chia sẻ về giải pháp giữ chân công chức, viên chức ở lại hệ thống công. Theo đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã đề xuất nhiều giải pháp như cải cách tiền lương, song cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện môi trường làm việc, làm sao để công chức có điều kiện phát huy hết năng lực, trình độ, sự sáng tạo của mình.
"Chúng ta cần giải pháp đồng bộ, trong đó có cải thiện môi trường làm việc, cải tiến cách thức tuyển dụng, bồi dưỡng, phân công nhiệm vụ, đánh giá thi đua khen thưởng cho đến cải cách tiền lương, làm sao để công chức làm việc trong môi trường công cảm thấy xứng đáng với những gì mình cống hiến. Phải tạo ra môi trường làm việc thực sự dân chủ, thân thiện để công chức dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những việc mới, việc khó, đáp ứng kỳ vọng của người dân cả nước. Nếu thực hiện được đồng bộ những giải pháp này sẽ giải quyết được căn cơ nhất hiện tượng cán bộ, công chức nghỉ việc, thôi việc”, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nói.