Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa thực hiện nghi lễ cầu nguyện quốc thái dân an tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm. Ảnh: Thế Anh - TTXVN |
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành và lãnh đạo triển khai thực hiện nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật về tôn giáo, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân thực hành quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình.
Thế nhưng, báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo thế giới công bố ngày 14/10/2015 vẫn thể hiện tư duy lối mòn, lặp lại những luận điệu cũ và được sao chép lại từ nhiều năm trước về đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Như thường lệ, Washington tự cho mình quyền phán xét về nhiều vấn đề thuộc công việc nội bộ của nước khác, với cách nhìn chủ quan và thiếu thiện chí. Tương tự như các bản báo cáo trước, bản báo cáo năm nay của Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục chỉ trích Việt Nam hạn chế các hoạt động tự do tôn giáo… Những thông tin mà báo cáo đề cập không có gì mới mà mang đậm màu sắc chủ quan và phiến diện. Thực tế đời sống tôn giáo sinh động và tính thượng tôn pháp luật trong bảo vệ các quyền con người tại Việt Nam là sự phủ nhận mạnh mẽ nhất những luận điệu đó.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo và đứng thứ ba thế giới về sự đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng. Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Trên thực tế, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được thực thi có hiệu quả trong cuộc sống. Trong những năm qua, nhiều tôn giáo đã được Nhà nước ta công nhận. Đến nay, Việt Nam có 14 tôn giáo, tổ chức tôn giáo, trên 24 triệu tín đồ, 78.000 chức sắc và hơn 23.000 cơ sở thờ tự. Hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam ngày càng diễn ra sôi nổi. Việc mở trường và đào tạo chức sắc tôn giáo luôn được nhà nước tạo điều kiện thuận lợi. Hiện đã có 13 trường đào tạo cử nhân tôn giáo của các giáo hội, 40 trường đào tạo trung cấp và cao đẳng của các tổ chức tôn giáo; khoảng 13.000 người đang học ở các trường đào tạo tôn giáo; hơn 1.000 người thuộc các tổ chức tôn giáo đang học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.
Hoạt động quốc tế của các tổ chức tôn giáo trong những năm qua diễn ra hết sức sôi động với nhiều đoàn của các tôn giáo nước ngoài vào Việt Nam và nhiều đoàn của các tổ chức tôn giáo Việt Nam ra nước ngoài. Các tổ chức tôn giáo ở trong nước cũng được tạo điều kiện tổ chức nhiều hoạt động quan trọng như như Đại lễ Vesak năm 2008 và năm 2014, Đại hội Hội đồng Giám mục các nước châu Á,…
Không phải ngẫu nhiên mà Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa - người đứng đầu Truyền thừa Phật giáo Kim cương thừa Drukpa thế giới – đã tới thăm Việt Nam 7 lần. Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 9 vừa qua, Đức Pháp Vương đã tới thăm Việt Nam với nhiều hoạt động tôn giáo như cử hành các Pháp hội cầu nguyện cho hòa bình thế giới, quốc thái dân an, đại lễ cầu siêu, khiển trừ chướng ngại, tăng phúc trường thọ...
Tôn giáo cùng với các tín ngưỡng đã hòa vào dòng chảy văn hóa Việt Nam, làm phong phú thêm nét văn hóa đa dạng của người Việt. Đông đảo những người theo tôn giáo đã và đang tham gia các hoạt động chung của xã hội, đoàn kết xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo. Chỉ có những phần tử lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm luật pháp, chống phá Nhà nước Việt Nam hoặc có các hoạt động đi ngược lại chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân mới bị xử lý theo các quy định của pháp luật như mọi công dân khác.
Rõ ràng, bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là xa rời thực tế, phiến diện, một chiều. Bản báo cáo hoàn toàn không giúp ích và không phù hợp với quan hệ đối tác toàn diện đang ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Mỹ.