Hội nghị do Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.
Khẳng định sự kỳ vọng của nhân dân đối với Đại hội Đảng lần thứ XII, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hậu cho rằng văn kiện Đại hội Đảng cần đi vào cụ thể, nhìn thẳng vào sự thật để nhân dân tin tưởng, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân. Hiện, Việt Nam vừa có cơ hội nhưng lại có cả những thách thức.
Cơ hội đến mà không nắm bắt sẽ mất đi, thách thức đến mà không giải quyết sẽ ở lại mãi. Đó là quy luật của sự vận động. Vì vậy, đại hội lần này cần nắm bắt rõ những cơ hội và đề ra những giải pháp để giải quyết triệt để những thách thức.
Góp ý về công tác xây dựng Đảng, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Hậu cho rằng, sự suy thoái của “một bộ phận không nhỏ” bắt nguồn từ việc lâu nay buông lỏng quản lý đảng viên dẫn đến sức mạnh của từng chi bộ, từng đảng viên không được phát huy. Sức mạnh của Đảng không phải ở con số đảng viên đông, mà là ở chất lượng đảng viên. Chính vì vậy, cần tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng đảng viên...
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hậu đề nghị cần đặt lại mối quan hệ giữa kinh tế, xã hội, chú trọng giải quyết các mối quan hệ xã hội. Phát triển kinh tế không phải chỉ vì kinh tế mà phát triển kinh tế là là sự phát triển của con người.
Hiện nay xã hội đang có nhiều xung đột, vì vậy, nếu không coi trọng việc giải quyết các mối quan hệ xã hội sẽ dẫn đến tình trạng kinh tế đi lên, thu nhập tăng, người dân nhiều tiền hơn nhưng cuộc sống đối mặt với bao nhiêu bất an về học hành, y tế, bệnh tật, giao thông, oan sai, mất đi sự bình an của cuộc sống.
Tiến sỹ Hồ Ngọc Hải, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường nhận xét, dự thảo văn kiện đã đề cập đến nhiều nguyên nhân, hạn chế, yếu kém cũng như chỉ ra định hướng cho sự phát triển. Cần trả lời câu hỏi: tại sao sự phát triển của Việt Nam lại không như mong muốn? Có ý kiến quốc tế nói Việt Nam là đất nước không chịu phát triển. 4 nguy cơ đã được chỉ ra từ khóa VII nhưng đến nay vẫn còn tồn tại. Tụt hậu đã không còn là nguy cơ mà thực sự đã diễn ra. Việt Nam đang phát triển chậm so với các nước trong khu vực – Tiến sỹ Hồ Ngọc Hải đặt vấn đề.
Đã có nhiều ý kiến đóng góp, tuy còn khác nhau nhưng đều rất đáng suy nghĩ, trong đó, có việc cải cách thể chế, pháp luật, hành chính. Cần suy nghĩ nghiêm túc về ý kiến quốc tế đánh giá “Việt Nam rất giỏi làm luật, nhưng lại kém về thực thi luật”. Nhiều vấn đề khác liên quan đến mô hình kinh tế cũng cần phải làm rõ, trong đó có việc phải định ra lộ trình để hạn chế dần sự lệ thuộc vào nguồn vốn ODA –Tiến sỹ Hồ Ngọc Hải góp ý.
Phó Giáo sư Nghiêm Xuân Minh thành viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường nhận định: văn kiện cần xác định rõ hai mục tiêu trong 5 năm tới trong Đảng, đó là: xã hội phải lập lại kỷ cương và tăng năng suất lao động. Nếu đạt 2 mục tiêu này, hầu hết các nguy cơ, hệ lụy hiện nay sẽ giải quyết được. Văn kiện cần viết rõ hơn về mục tiêu, giải pháp, cần hạn chế những nội dung chung chung, thiếu sự đột phá.
Tại hội nghị các ý kiến của các thành viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường cũng góp ý về việc phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ, việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phương hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020.
Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Phạm Thị Trân Châu, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường cho biết: những ý kiến đóng góp tâm huyết của các thành viên trong Hội đồng sẽ được Ban chủ nhiệm Hội đồng báo cáo Ban thường trực Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tổng hợp góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII.