Chuyển đổi số chưa có nhiều kết quả đột phá
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số vẫn còn những hạn chế nhất định như: hạ tầng cơ sở kỹ thuật chưa được tối ưu hóa; vận hành chưa chuyên nghiệp; chưa có khả năng linh hoạt đáp ứng các yêu cầu mới nảy sinh; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan còn nhiều hạn chế; tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến thấp; hoạt động của cơ quan nhà nước còn dựa trên giấy tờ theo truyền thống. Xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử của Việt Nam có cải thiện nhưng mới ở mức trung bình trong khu vực. Chuyển đổi số chưa có nhiều kết quả đột phá. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, công tác phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi số và kinh phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số chưa thực sự được quan tâm...
Đặc biệt, tại cuộc họp đánh giá những tồn tại hạn chế của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) cho thấy còn 4 nhóm vấn đề tồn tại, bao gồm: hạn chế về pháp lý; cơ sở hạ tầng công nghệ; dịch vụ công và nguồn lực triển khai Đề án.
Cần có giải pháp thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược
Từ thực trạng nêu trên, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, để thực hiện thành công các mục tiêu Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử, Luật Lưu trữ theo hướng tạo thuận lợi phát triển Chính phủ số, ban hành nghị định của Chính phủ về Chính phủ số. Cùng với đó, phát triển mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối từ Trung ương đến cấp xã; xây dựng nền tảng điện toán đám mây; phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, nền tảng trao đổi, định danh và xác định điện tử quốc gia, nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động cho mọi dịch vụ. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, coi đây là dữ liệu trụ cột cốt lõi cần phải hoàn thành đưa vào khai thác sớm. Phát triển dữ liệu chuyên ngành về tài chính, bảo hiểm, nông nghiệp, giáo dục, y tế, việc làm cho nhân dân.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện
Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần có các giải pháp ứng dụng hiệu quả thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển đất nước. Theo đại biểu, tại Kỳ họp này, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển các sản phẩm, dịch vụ của mô hình kinh tế số. Trước sự phát triển nhảy vọt của công nghệ, chúng ta cần đánh giá đúng thực trạng, chủ động xây dựng kịch bản khai thác những giá trị tích cực, lựa chọn các giải pháp ứng phó để không tụt hậu, đồng thời đề ra các giải pháp nhằm chống chọi với các tác động tiêu cực, mặt trái của sự phát triển công nghệ.
Đại biểu Lê Minh Nam nhấn mạnh, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện, kiến tạo, thúc đẩy ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng điểm mạnh, điểm yếu, thách thức, khả năng hấp thụ công nghệ, để lựa chọn những lĩnh vực có năng lực, thế mạnh để phát huy và đầu tư có trọng điểm, đảm bảo hiệu quả.