Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIV. Ảnh: TTXVN
|
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung về: Sự cần thiết sửa đổi Luật; nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường; hồ sơ yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự... của dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Cần thiết sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Qua thảo luận, đa số đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng: Việc sửa đổi Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng được nêu trong định hướng tiếp tục thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra trong khi thi hành công vụ, phù hợp với quy định của các luật có liên quan mới được ban hành. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định theo hướng làm rõ các thiệt hại được bồi thường, căn cứ xác định mức bồi thường, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu bồi thường, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại, góp phần nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ nói riêng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung.
Cơ bản tán thành với nhiều nội dung thể hiện trong dự thảo Luật (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) nhận xét: Sửa đổi Luật lần này đã đề cao quyền con người, quyền công dân và xác định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, cá nhân khi mà gây ra thiệt hại đối với công dân.
Cần công khai và cầu thị khi xin lỗi người bị oan
Theo các đại biểu, thời gian qua, mặc dù số lượng vụ án oan chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số vụ án đã giải quyết, song hậu quả gây ra lại rất nghiêm trọng, như: vụ ông Nguyễn Văn Thêm ở Bắc Ninh; vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang... Công tác bồi thường oan người vô tội trong thời gian qua được triển khai tích cực của các cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân thuộc về cơ chế pháp luật dẫn tới việc giải quyết bồi thường oan trong một số vụ còn nhiều điều đáng suy nghĩ.
Cụ thể, về tổ chức xin lỗi công khai người bị oan, theo dự thảo Luật chỉ xin lỗi công khai khi người bị oan có yêu cầu. Vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, cách đặt vấn đề như vậy là chưa phù hợp. Vì việc tổ chức công khai xin lỗi người bị oan là trách nhiệm mà Nhà nước phải thực hiện, không phụ thuộc vào việc người bị oan có yêu cầu hay không. Bên cạnh đó, pháp luật trao cho các cơ quan tố tụng được quyền áp dụng nhiều biện pháp có tính cưỡng chế. Nếu áp dụng đúng thì có tác dụng tìm ra tội phạm. Nếu áp dụng sai đối tượng thì hậu quả rất nặng nề. Ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng, nếu cơ quan tố tụng khởi tố oan một người, bắt giam họ trước sự chứng kiến của người dân thì tổn thương gây ra với họ và gia đình là rất lớn. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ trong Luật là mọi trường hợp làm oan, cơ quan tố tụng phải có trách nhiệm tổ chức xin lỗi công khai người bị oan mà không phụ thuộc vào việc họ có yêu cầu hay không. Về trình tự, thủ tục xin lỗi, cần quy định rõ trong dự thảo Luật mà không giao cho Bộ Tư pháp hướng dẫn như quy định trong dự thảo.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Hoàng Văn Liên (đoàn Long An) đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng làm oan người vô tội phải đồng trách nhiệm xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho người dân. Trong đó, cơ quan làm oan cuối cùng phải chủ trì mới đảm bảo tính cầu thị và thực sự xin lỗi nhân dân.
Thảo luận về quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại, các đại biểu cho rằng điểm a khoản 2 Điều 13 xác định "Người bị thiệt hại phải cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của mình" trong dự thảo Luật là không hợp lý. Vì có những vụ việc liên quan đến việc bồi thường kéo dài đến 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc nhiều hơn nữa, do đó những tài liệu yêu cầu liên quan đến bồi thường là không thể nào công dân cung cấp được “một sớm, một chiều”. Theo các đại biểu, đối với người bị thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực tài liệu, chứng cứ là đủ, không cần phải yêu cầu kịp thời,…
Theo chương trình, ngày thứ 7 (12/11) và chủ nhật (13/11), Quốc hội nghỉ làm việc ; sáng thứ 2 (14/11), Quốc hội sẽ tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017; thảo luận về dự án Luật thủy lợi.