Cần hành động cụ thể để đưa đất nước phát triển

Kết luận Hội nghị trực tuyến thường niên giữa Chính phủ với các địa phương diễn ra cuối tháng 12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ đề của năm 2017 là “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”. Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương tái cơ cấu quyết liệt, mạnh mẽ để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh.


Cả hệ thống phải chuyển động    


Thay mặt Chính phủ, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bối cảnh rất khó khăn về thiên tai, nhân tai, song đã có 11 chỉ tiêu vượt mức báo cáo Quốc hội, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt. Đặc biệt là vượt chỉ tiêu thu ngân sách, nhiều địa phương, nhiều ngành đổi mới rất quyết liệt. Niềm tin thị trường, niềm tin xã hội được tăng lên.   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương. Ảnh: Thống nhất - TTXVN


Cho rằng thành tựu đạt được trong năm qua là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, năm 2017 dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn (thiên tai, nợ công, năng lực cạnh tranh, biến động quốc tế phức tạp, khó lường...), để đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp tốt hơn nữa, Thủ tướng nhấn mạnh, cả hệ thống phải chuyển động, đặc biệt là chính quyền cơ sở vì nơi đây sát dân.     


“Nếu không tái cơ cấu quyết liệt, không nâng cao được năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh, chúng ta sẽ tụt hậu, không giải quyết được các thách thức kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, đối ngoại, không thu hẹp được khoảng cách phát triển và không thoát khỏi được bẫy thu nhập trung bình. Muốn vậy, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải vượt qua lợi ích cục bộ, vượt qua tư duy nhiệm kỳ thì mới thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương phải tái cơ cấu chính nội bộ ngành mình”, Thủ tướng nêu rõ.    


Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ của bộ ngành, địa phương, rà soát loại bỏ những quy định bất cập, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu, đẩy mạnh cơ chế khoán, công khai ngân sách, "tiết kiệm từng đồng bạc của dân", chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức, kiên quyết chống lợi ích nhóm... với tinh thần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững, xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.    


30 giải pháp tập trung thực hiện năm 2017     


Chốt lại chủ đề năm 2017 mà Chính phủ đã đưa ra là “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh đây là bước tiếp theo quan trọng trong việc thực hiện chủ trương Chính phủ liêm chính kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.     


“Chính vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí phải có quyết tâm chính trị, có khát vọng để đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới, mặc dù khó khăn còn muôn vàn”, Thủ tướng nói.    


Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng đã đưa ra 30 giải pháp ở tất cả các lĩnh vực. Đây chính là kim chỉ nam để các địa phương bám sát triển khai thực hiện trong năm 2017 và các năm tiếp theo.     


Thủ tướng yêu cầu năm 2017 tiếp tục ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát không quá 4%. Đây là điều kiện tiên quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững. Trong đó, vai trò của 4 cơ quan là Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước là rất quan trọng, nhất là dự báo chính xác và chủ động đưa ra giải pháp, không để bị động bất ngờ xảy ra, sẵn sàng có biện pháp can thiệp cần thiết.    


Để phấn đấu tăng trưởng đạt 6,7% năm 2017, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, sớm giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo chất lượng tăng trưởng nhưng không tăng trưởng bằng mọi giá, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, bảo vệ môi trường.     


Các địa phương, bộ, ngành cũng cần sớm phát hiện, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ bãi bỏ những quy định ràng buộc, kìm hãm sự phát triển của đất nước; bãi bỏ ngay những quy định không hợp lý thuộc thẩm quyền của ngành, địa phương mình. Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý hai vấn đề quan trọng là nợ xấu và nợ công; phát động phong trào thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tiết kiệm từng đồng tiền của dân, phải tính toán đến hiệu quả khi sử dụng đồng tiền của dân.  
 

Đi liền với đó là phát động một phong trào toàn xã hội chống xa hoa, hình thức, phô trương. Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước có hạn thì phải tăng cường xã hội hóa, củng cố niềm tin vào tiền đồng Việt Nam, đảm bảo sức mua của tiền đồng Việt Nam trong trung và dài hạn để thu hút đầu tư.        


Cùng với việc yêu cầu các địa phương, bộ, ngành tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu đứng trong nhóm ASEAN 4 về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu giải pháp để khuyến khích 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Thủ tướng lưu ý, hệ thống chính quyền các cấp ở địa phương phải chuyển động một cách thực sự, thay vì chỉ cấp Trung ương và lãnh đạo tỉnh.      
  
 
Thủ tướng cũng chỉ đạo quyết liệt cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của từng chủ tịch UBND các địa phương và bộ trưởng, không để xảy ra thất thoát tài sản nhà nước; đồng thời kiên quyết xử lý các dự án thua lỗ lớn.       


Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương trong việc chấn chỉnh lại công tác quy hoạch đô thị. Thủ tướng không hài lòng trước việc các cơ sở di dời khỏi nội thành đều trở thành các khu đô thị cao tầng, mật độ dân cư cao gây ách tắc giao thông, quá tải trầm trọng hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, điện, vệ sinh môi trường. Trong khi các thành phố cần hơn là những công viên, các công trình công cộng phục vụ cho người dân và góp phần thu hút khách du lịch.    


Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Mục tiêu cuối cùng là lo cho dân, không được để dân thiếu cơm thiếu muối, không được để dân bệnh tật, không có chỗ cho con cái học hành, người dân sống an toàn hơn. Để từ đó, mỗi người dân phải có niềm vui, niềm tin vào chế độ ta. Do đó phải có những hành động cụ thể, thái độ hành xử của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, cơ sở phải thể hiện điều đó.           

Quang Vũ
Duy trì môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước
Duy trì môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước

Việt Nam cần phải tận dụng, tranh thủ tối đa môi trường hòa bình và sự phát triển của kinh tế thế giới mà qua được giai đoạn khó khăn và phát triển lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN