Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Quang phát biểu tại buổi làm việc. |
Tỉnh Quảng Nam hiện có 2 dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT do Bộ Giao thông Vận tải quyết định đầu tư là Dự án thành phần 1 mở rộng Quốc lộ 1 A, đoạn từ Km 947- Km 987 và Dự án thành phần 2 mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn từ Km 987- Km1027 do Công ty Cổ phần xây dựng công trình 545 và Tổng Công ty xây dựng Công trình giao thông 5 làm chủ đầu tư.
Các dự án BOT sau khi hoàn thành đã có những tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian di chuyển của phương tiện tham gia giao thông nhanh hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập cần được tháo gỡ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 trạm thu phí cách nhau 50 Km nên chi phí đi lại và vận chuyển hàng hóa tăng cao, địa phương đã có ý kiến về vấn đề này nhưng chưa được giải quyết. Tỉnh đã nhiều lần kiến nghị và Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có ý kiến chỉ đạo nhà đầu tư bổ sung các đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại các ngã 3, ngã 4 thường xảy ra tai nạn nhưng vẫn chưa được các đơn vị có trách nhiệm triển khai lắp đặt.
Mặt khác, trước khi triển khai dự án, tỉnh đã xây dựng các nhà chờ xe buýt dọc tuyến Quốc lộ 1A, tuy nhiên trong quá trình thi công, nhà đầu tư đã tháo dỡ các điểm chờ xe này. Đến nay vẫn chưa hoàn trả mặc dù địa phương đã nhiều lần đề nghị.
Báo cáo với đoàn công tác của Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết thêm: Phần lớn các công trình giao thông thực hiện theo hình thức BOT trong thời gian qua trên địa bàn do các doanh nghiệp tự đề xuất đầu tư, cơ quan có thẩm quyền xem xét và phê duyệt. Điều này dẫn đến thiếu cạnh tranh lành mạnh trong lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư tác động vào quá trình nghiên cứu dự án nhằm gia tăng lợi ích của doanh nghiệp, đẩy khó khăn cho người dân và nhà nước.
Cơ chế giám sát có nhiều tồn tại, công trình có biểu hiện kém chất lượng. Phương thức thu phí thủ công dễ xảy ra sai sót, không kiểm soát được doanh thu của doanh nghiệp. Trong khi đó hình thức thu phí qua trạm theo lượt chưa đảm bảo công bằng, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân trong khu vực, nhất là những gia đình sống hai bên trạm thu phí. Việc xác định mức phí, thời gian thu phí được căn cứ vào tổng mức đầu tư cửa dự án và lưu lượng phương tiện qua trạm mà chưa căn cứ vào lợi ích thu được của bên sử dụng dịch vụ nên thiếu thuyết phục, chưa tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Trước những bất cập trên, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề xuất sớm ban hành đầy đủ các văn bản, hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý quản lý các hợp đồng BOT, đảm bảo sự cạnh tranh, minh bạch từ khâu lựa chọn nhà đầu tư đến việc giám sát thực hiện. Nâng cao chất lượng quy hoạch, lập kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Quang đánh giá cao những ý kiến đóng góp đồng thời ghi nhận những kiến nghị của tỉnh Quảng Nam trong quá trình thực hiện các dự án giao thông bằng hình thức BOT để đưa vào chương trình nghiên cứu nhằm sớm ban hành các văn bản chuyên ngành, quy chế phối hợp giữa trung ương và địa phương trong quản lý đầu tư.